Bước tiến số hóa cần lộ trình phù hợp

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ ngày 1-10-2025, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc sẽ bắt buộc triển khai kê đơn thuốc điện tử

Đây là bước chuyển cực kỳ quan trọng, góp phần minh bạch hoạt động kê đơn và bán thuốc, kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, chính sách này đòi hỏi phải có một giai đoạn chuyển tiếp hợp lý, trong đó có việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, bởi phần lớn người dân hiện vẫn tiếp cận nhà thuốc như điểm chăm sóc sức khỏe đầu tiên thay vì đến bệnh viện.

Thực tế cho thấy người dân dễ dàng mua kháng sinh mà không cần kê đơn của bác sĩ. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng là tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng ngày càng gia tăng.

Do đó, kê đơn điện tử giúp kiểm soát chặt việc sử dụng kháng sinh và thuốc đặc trị, tránh tình trạng lạm dụng, dùng sai cách, sai liều. Đây là bước rất cần thiết, là công cụ để minh bạch hóa hoạt động kê đơn và bán thuốc, điều mà đơn thuốc giấy hoàn toàn không làm được.

Có điều, việc kê đơn điện tử kết nối với Cổng Dược quốc gia đang là một thách thức lớn. Ở TP HCM - nơi phần lớn các nhà thuốc đã hoàn thành việc kết nối thì không đáng nói nhưng ở nhiều tỉnh, thành khác, hệ thống kết nối này vẫn chưa đồng bộ, nhiều nhà thuốc chưa được trang bị phần mềm phù hợp và chưa được đào tạo đầy đủ để vận hành.

Một vướng mắc khác là để tra được đơn thuốc điện tử, nhà thuốc cần có phần mềm bán hàng kết nối với hệ thống quốc gia. Nhưng hiện nay, rất ít đơn thuốc từ bệnh viện/phòng khám có mã để tra cứu. Người dân cũng chưa quen với việc này, nhà thuốc lại càng chưa quen.

Là người đang trực tiếp tham gia các chương trình cập nhật kiến thức cho nhà thuốc, tôi cho rằng đào tạo không quá khó, nhưng cần có đơn thuốc điện tử từ đầu vào, tức từ các bệnh viện và phòng khám.

Vấn đề là hiện các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn chưa triển khai đồng bộ, nhất là phòng mạch tư. Khi bác sĩ không kê đơn điện tử, người bệnh không có mã đơn thuốc, thì nhà thuốc không có đầu mối để tra, cũng không thể bán thuốc đúng quy trình. Hệ thống sẽ bị đứt đoạn ngay từ khâu đầu tiên.

Nếu triển khai đồng bộ, kê đơn điện tử sẽ là giai đoạn thứ hai trong tiến trình minh bạch hóa ngành dược (giai đoạn đầu là quản lý nguồn gốc hàng hóa, truy xuất xuất xứ thuốc). Chỉ khi bệnh viện và bác sĩ thực hiện kê đơn điện tử một cách bắt buộc thì nhà thuốc mới có cơ sở để làm đúng quy trình.

Nếu không, nhà thuốc bị động, không có đơn để tra mã bán thuốc, cuối cùng lại phải bán theo kiểu cũ. Việc này giống như lần đầu chúng ta học xài điện thoại thông minh vậy, lạ nhưng không khó. Chỉ cần quyết tâm và có giai đoạn chuyển tiếp hợp lý, hệ thống sẽ đi vào vận hành.

Và trên hết, phải xem quy định về kê đơn thuốc điện tử không chỉ là phương thức đổi mới quản lý y tế, thúc đẩy quản lý thuốc hiệu quả, ngăn chặn thuốc giả, thuốc nhập lậu trên thị trường mà còn là chuyển đổi tư duy trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.