Các HTX xe buýt trước nguy cơ rớt thầu

Số phận 37 tuyến xe buýt TP HCM sắp ngã ngũ, 5 HTX lo rớt thầu. Hàng trăm xã viên đối mặt nguy cơ mất việc, tài sản đầu tư đứng trước tương lai vô định

Chỉ vài ngày nữa, kết quả đấu thầu 37 tuyến xe buýt ở TP HCM (mở thầu ngày 29-4) sẽ được công bố. Trong tâm trạng đứng ngồi không yên, đại diện 5 hợp tác xã (HTX) gồm: HTX Vận tải số 15, HTX Vận tải và Du lịch Thanh Sơn, HTX Vận tải 19-5, HTX Vận tải số 26 và HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng có đơn kiến nghị nhiều nội dung.

Nhiều trăn trở

Trong đơn kêu cứu, các HTX cho rằng đa số người làm xe buýt đã "chung lưng đấu cật" với thành phố từ những ngày đầu giải phóng đất nước, thời xe buýt còn là xe lam, xe đò, nhiều gia đình có chồng làm tài xế, vợ làm lơ xe hoặc các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Xe buýt cũng trải qua 2 lần chuyển đổi phương tiện, lần đầu năm 2002 khi thành phố chủ trương thay đổi phương tiện mới bằng Dự án 1.318. Sau đó, đến năm 2016 tiếp tục chuyển đổi phương tiện mới theo Dự án 1.680, mỗi lần chuyển đổi phương tiện, các xã viên của các HTX đều chung tay thực hiện, vay mượn tiền, bán hoặc cầm cố tài sản để đổi phương tiện mới.

Theo các HTX, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như lượng hành khách đi xe cá nhân ngày càng nhiều nên lượng khách đi xe buýt sụt giảm trong khi mức khoán vé cao, trợ giá thấp, khiến nhiều HTX rơi vào tình trạng khó khăn, xã viên thu không đủ bù chi và xe buýt mới "thở" được từ năm 2023 khi áp dụng chính sách điều chỉnh mức lương cơ sở.

Các HTX xe buýt trước nguy cơ rớt thầu - Ảnh 1.

Việc đấu thầu xe buýt thực hiện theo Luật Đấu thầu

Mới đây, theo chủ trương của Chính phủ, TP HCM sẽ có lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh, sạch đến đầu năm 2027, dù khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn nhưng các xã viên, HTX vẫn trong tâm thế chuẩn bị tinh thần tham gia chương trình chuyển đổi phương tiện xanh, sạch, đáp ứng yêu cầu và bảo đảm môi trường cho TP HCM.

Lo sinh kế lâu dài

Cuối tháng 4-2025, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng tổ chức đấu thầu 37 tuyến xe buýt đang hoạt động, thời hạn thầu đến hết năm 2026. Qua công bố giá bỏ thầu trên mạng, các HTX nhận thấy đa số gói thầu đều được Công ty P.T giảm giá khoảng 50%, trong khi các HTX cố gắng lắm chỉ giảm 35%-40% để giữ tuyến. Như vậy, khả năng rớt thầu của các HTX với 37 tuyến này rất cao.

Là đơn vị tham gia đấu thầu 11 tuyến với 240 phương tiện, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc HTX Vận tải 19-5, phân tích qua công bố giá gói thầu các doanh nghiệp tham gia cùng gói thì HTX Vận tải 19-5 không đưa mức giá thấp nhất nên khả năng rớt thầu khá cao. "Hầu hết 11 tuyến này đều là xe xã viên đầu tư mới theo Dự án 1.680, hoạt động chưa đến 10 năm. Ngoài ra còn có 2 tuyến gồm tuyến số 33 và số 150 là xe CNG (xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén, 100 phương tiện), xã viên vừa trả dứt nợ vay ngân hàng đầu năm 2025. Với 11 tuyến xe này, đa số xã viên gắn bó từ 15-20 năm, qua 2 lần đổi phương tiện, chưa kể nhiều gia đình có chồng, vợ hoặc con cái mưu sinh bằng xe buýt. Do đó, chúng tôi rất mong các sở, ngành xem xét, có phương án hỗ trợ cho các tuyến xe buýt được hoạt động đến hết năm 2026 hoặc có hướng hỗ trợ, xử lý phương tiện rớt thầu, tránh lãng phí tài sản" - ông Quốc Anh đề xuất.

Đại diện nhiều HTX khẳng định việc đấu thầu là cần thiết nhằm tạo sự công bằng, minh bạch, song cũng có ý kiến băn khoăn. "Chúng tôi lấy công làm lời cũng chỉ dám giảm 25%-30% gói thầu khi tham gia 5 tuyến đang hoạt động. Nếu rớt thầu, 60 xã viên, nhiều gia đình sẽ mất sinh kế, xe buýt không biết đi về đâu, nếu bán rẻ thì rất lãng phí. Do đó, mong thành phố xem xét gia hạn cho xe của HTX được hoạt động đến hết năm 2026" - đại diện HTX Vận tải và Du lịch Thanh Sơn kiến nghị.