Cảm ơn trà Việt!
(NLĐO) - Đó là chia sẻ của nhà xã hội học người Pháp tên Laurent khi đến phòng trà Hương B’Lao tại chân núi Đại Bình.

Phòng trà Hương B'Lao
Đó là tiếng lòng của một người ngoại quốc đến thăm cao nguyên phố núi Bảo Lộc - vùng nguyên liệu trà lớn nhất miền Nam do người Pháp mang giống trà Sam từ Ấn Độ trồng tại đây vào năm 1927.
Là phiên dịch viên địa phương, năm rồi tôi dẫn một nhà xã hội học người Pháp tên là Laurent đến phòng trà Hương B’Lao tại chân núi Đại Bình.
Sau khi nghe bà Đỗ Sơn, chủ phòng trà, giới thiệu về văn hóa trà Việt, ông Laurent bắt tay người thuyết minh, vui vẻ nói: "Tôi sinh ra ở Pháp, được trải nghiệm nhiều nước. Lần này đến đây biết được những trầm tích văn hóa của người Việt thật là thú vị, tôi có cảm tưởng về trà Việt như thế này.

Ông Laurent - tiến sĩ xã hội học, người Pháp - và tác giả
Thứ nhất, trước lúc uống trà là đánh thức bộ ấm chén, đánh thức hồn trà, sau đó là đánh thức lòng người khi đi vào trà đàm.
Điều thứ hai biết được người Việt xưa dạy dỗ con cháu thông qua kỹ năng pha và uống trà bắt đầu từ hương khói của ly trà, rồi thông qua hương vị và hình ảnh nhớ ơn tiền nhân chân trần mang gươm mở đất và giữ gìn bờ cõi để bây giờ mới ngồi với nhau một cách yên bình.

Bà Đỗ Sơn (áo trắng) - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ trà B’Lao - ướp trà hoa nhài
Điều cuối cùng trong khi trà đàm phải cân nhắc lời nói để mang lại cái hậu cho người đối ẩm. Người Việt có thói quen là rượu khà trà chắp, chắp lưỡi là biểu hiện sự trân trọng hương vị và tỏ lòng biết ơn người mời, nhớ ơn các tiền nhân. Thêm nữa bài học từ trà là kết nối thâm tình giữa người với người, với kỹ năng ứng xử chân tình; có nghĩa theo vị trà đậm, vừa, nhạt phù hợp với sở thích để lúc tạm biệt vẫn còn nhớ nhau sự tương đồng và hương vị cuộc sống...".
Lúc từ biệt, ông vỗ vai tôi thì thầm: "Thật tuyệt vời! Một đất nước mà chỉ cần nhìn ly trà nóng tỏa hương cũng đủ để nhận ra bề dày văn hóa và tinh thần yêu nước của cả dân tộc. Cám ơn bà Đỗ Sơn, cám ơn trà Việt!".