Cân bằng thương mại - nghệ thuật trong điện ảnh
Phim điện ảnh "Điều ước cuối cùng" của đạo diễn trẻ Đoàn Sĩ Nguyên đã ra rạp từ ngày 4-7.
Đây là tác phẩm Việt hóa, khai thác câu chuyện tuổi học trò, giới tính… một cách hài hước, truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu.
"Điều ước cuối cùng" là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Đoàn Sĩ Nguyên. Anh là đạo diễn trẻ từng góp mặt trong tốp 5 chương trình "Dự án phim ngắn CJ" mùa 4 với tác phẩm "Rừng dịu dàng". Thông thường, những đạo diễn có mặt trong tốp 5 dự án xuất sắc của chương trình này, được nhận kinh phí tài trợ thực hiện tác phẩm, sẽ đưa ra chọn lựa tìm kinh phí thực hiện tác phẩm đầu tay là phim dài nghệ thuật phát triển từ phim ngắn của mình.

Phim “Điều ước cuối cùng” của đạo diễn trẻ Đoàn Sĩ Nguyên. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Một số đạo diễn không chọn phát triển tác phẩm đầu tay từ phim ngắn thì cũng chọn thực hiện một phim độc lập, nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân. Như trường hợp đạo diễn Phạm Thiên Ân, thực hiện phim "Bên trong vỏ kén vàng", phát triển từ phim ngắn "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng" hay Phạm Ngọc Lân với phim "Cu li không bao giờ khóc". Các phim nghệ thuật này đều gặt hái thành tích ấn tượng khi tham gia những liên hoan phim quốc tế lớn.
Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là khi ra rạp phục vụ khán giả nội địa, tất cả đều thất bại doanh thu bởi không có yếu tố thương mại, đại chúng. Vì thế, việc một đạo diễn trẻ chọn thực hiện phim đầu tay là phim thương mại cho thấy đã có sự thay đổi dần tư duy từ phía đạo diễn trẻ lẫn nhà sản xuất, nhà đầu tư mạnh dạn tin tưởng vào những người mới. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy thị trường điều chỉnh, đang dần nỗ lực để cân bằng hơn yếu tố nghệ thuật, thương mại ở tác phẩm điện ảnh Việt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Bà Trần Diệu Linh - đại diện Ban Tổ chức chương trình "Dự án phim ngắn CJ" mùa 6, nhận định chương trình cũng có nhưng thay đổi so với các mùa đầu, hướng đến số đông khán giả hơn. Chương trình đã cố gắng cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại, để tâm đến những dự án đại chúng nhưng đồng thời cũng nói lên được tiếng nói độc đáo của đạo diễn trẻ.
Trong nền điện ảnh đang trên đà phát triển như điện ảnh Việt, thể hiện tiếng nói độc đáo, mang dấu ấn riêng của mình ở thế hệ đạo diễn trẻ là cần thiết. Tuy nhiên, tác phẩm cũng cần hướng đến số đông khán giả, để khán giả đại chúng có thể tiếp cận. Việc nỗ lực để dần cân bằng 2 yếu tố này trong điện ảnh Việt và nhất là trong thế hệ đạo diễn trẻ sẽ góp phần đưa điện ảnh Việt phát triển bền vững trong tương lai.