Cần một biểu thuế sòng phẳng hơn
Kể từ khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) chính thức áp dụng vào năm 2009, đến nay đã hơn 15 năm với nhiều biến động lớn về kinh tế, mức sống và giá cả
Tuy nhiên, trong khi mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh vài lần để bù đắp trượt giá, thì hệ thống các bậc thuế lũy tiến và ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn gần như không thay đổi.
Điều này dẫn đến nghịch lý là người lao động dù chỉ được tăng lương để theo kịp lạm phát, vẫn phải nộp thuế nhiều hơn, tức là chất lượng sống không tăng nhưng gánh nặng thuế lại lớn hơn.
Chẳng hạn, năm 2009, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 9 triệu đồng vào năm 2013 và 11 triệu đồng từ năm 2020. Nhưng suốt thời gian đó, biểu thuế lũy tiến vẫn giữ nguyên. Vì vậy, khi thu nhập danh nghĩa được điều chỉnh tăng để phù hợp với giá cả thị trường, phần tăng thêm ấy lại khiến người lao động bị xếp vào bậc thuế cao hơn và phải đóng thuế nhiều hơn, dù thực chất thu nhập thực không thay đổi.
Ví dụ, một người sau giảm trừ có thu nhập 5 triệu đồng/tháng sẽ chịu thuế 5%, tức 250.000 đồng. Khi được tăng lương lên 6 triệu đồng để bù trượt giá, thì phần tăng thêm bị đánh thuế 10%, nâng số thuế phải đóng lên 350.000 đồng, tức tăng 40%, dù thu nhập chỉ tăng 20% và sức mua thực tế vẫn giữ nguyên.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 13,3 hoặc 15,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, biểu thuế lũy tiến và các ngưỡng thu nhập tính thuế dù được điều chỉnh nhưng vẫn còn lạc hậu. Kết quả là, người có thu nhập thấp tiết kiệm được rất ít tiền thuế, trong khi người thuộc nhóm thu nhập trung bình hoặc khá lại bị đẩy vào bậc thuế cao hơn mà không được giảm trừ tương ứng.
Với hai phương án điều chỉnh, mức giảm thuế tối đa chỉ dao động từ vài trăm nghìn đồng đến khoảng 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi nếu điều chỉnh đúng theo mức trượt giá từ năm 2009 đến nay, người nộp thuế có thể tiết kiệm được từ 5-8 triệu đồng mỗi tháng ở nhóm thu nhập cao nhất. Khoản tiết kiệm này không phải là ưu đãi mà đơn giản là sự công bằng cần có khi giá trị tiền tệ thay đổi theo thời gian.
Thực tế cho thấy, biểu thuế hiện hành đã trở nên lỗi thời. Sức mua của 5 triệu đồng năm 2009 tương đương gần 11 triệu đồng hiện nay và ngưỡng 80 triệu đồng - vốn chịu thuế suất 35% - nay tương đương gần 172 triệu đồng. Trong khi đó, theo đề xuất mới, ngưỡng 100 triệu đồng bị đánh thuế cao vẫn chỉ tương đương với khoảng 46 triệu đồng năm 2009.
Điều này đồng nghĩa với việc mức thuế cao đang áp lên nhóm thu nhập trung bình, chứ không phải người thực sự giàu. Nếu so với các nước trong khu vực, rõ ràng mức thu nhập chịu thuế cao của Việt Nam còn rất thấp so với chuẩn thu nhập và mức sống thực tế.
Một chính sách thuế công bằng cần phản ánh đúng khả năng đóng góp của người dân, đồng thời theo sát diễn biến kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng nguyên tắc điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo lạm phát hằng năm để bảo đảm chính sách thuế không làm giảm mức sống của người lao động.
Khi tiền lương tăng chỉ để bù giá cả nhưng hệ thống thuế lại không cập nhật, người dân chắc chắn sẽ bị thiệt. Do đó, việc chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh là chưa đủ. Cải cách thuế thu nhập cá nhân cần đi kèm với điều chỉnh toàn diện biểu thuế lũy tiến để bảo đảm công bằng thực chất.