Cuộc thi viết về chủ quyền: Cất cánh vì Tổ quốc
Đó là cựu phi công Trần Văn On, người đã chọn đứng về phía cách mạng, cùng phi đội Quyết Thắng làm nên chiến công lịch sử
Sáng sớm tại sân bay Nội Bài, chúng tôi dặn dò ông từng chút một: nào là cách đưa vé, cách soi chiếu hành lý, cách tìm cổng ra tàu bay. Người từng điều khiển chiến đấu cơ phản lực - mà nay lại lóng ngóng khi trở lại sân bay với quầy check-in, với cửa an ninh, với boarding pass trong vai trò một hành khách. Tình huống dở khóc dở cười ấy khiến tôi nghẹn lại.
Phi công không quân phục
Người đàn ông gần 80 tuổi đó là cựu phi công của Không lực Việt Nam Cộng hòa, bác Trần Văn On, người đã chọn đứng về phía cách mạng, cùng phi đội Quyết Thắng lái máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975, góp phần mở đường cho ngày toàn thắng 30-4 lịch sử. Sau trận đánh, bác ra quân, lặng lẽ về quê nhà Tiền Giang làm ruộng, không đòi hỏi đãi ngộ hay danh hiệu, cũng chưa từng một lần có trong tay bộ quân phục của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Tôi có duyên thực hiện một phóng sự truyền hình về cuộc đời đặc biệt của ông. Kể từ đó, chúng tôi xem nhau như ruột thịt và tôi được phép gọi ông là ba - ba On. Năm xưa, giữa thời khắc lịch sử, ba tôi đã đưa ra sự lựa chọn quyết định, đứng về cách mạng, trở thành phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là chọn một lối bay mà còn chọn một con đường cho chính cuộc đời mình.
Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ mãi nhắc nhớ về sự kiện phi đội Quyết Thắng "dùng máy bay địch để tiến công địch" vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 28-4-1975. Khi mà chiến dịch Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn quyết định, phi đội đặc biệt này đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn (hay còn gọi là căn cứ không quân Phan Rang), trở thành mũi tiến công từ bầu trời. Những cánh chim ấy mang trong mình sứ mệnh làm rung chuyển ý chí của chính quyền Ngụy Sài Gòn bằng việc ném bom căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ: sân bay Tân Sơn Nhất; góp phần mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn nhanh hơn, ít đổ máu hơn.
Trong chiến công đó, có sự góp sức nhiệt tình của ba On, giúp các phi công miền Bắc vốn chỉ quen lái các dòng máy bay Mig của Liên Xô, chuyển loại thần tốc sang máy bay A37 của Mỹ mà địch vứt lại trên đường tháo chạy; rồi cũng chính ông trực tiếp cầm lái 1 trong 5 chiếc máy bay A37 của phi đội Quyết Thắng tiến về Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ công kích mục tiêu Tân Sơn Nhất. Sau sự kiện ngày hôm ấy, ba On ở lại Không quân Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam thêm một thời gian ngắn rồi xin ra quân.
Khi biết ba được mời ra Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm sự kiện phi đội Quyết Thắng tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân may cho ba một bộ quân phục. Đó là bộ quân phục đầu tiên và duy nhất trong đời ba. Lẽ ra ba phải được mặc bộ quân phục ấy từ 50 năm trước.

Cựu phi công Trần Văn On, người lái máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975
Hành trình "trở về"
Chuyến ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt truyền thống lần này của ba On không chỉ là dự một buổi lễ tri ân. Đó là hành trình "trở về", không phải với chiến công, mà với chính nhân phẩm và ký ức của một người lính đã chọn đứng về phía cách mạng trong thời khắc lịch sử.
Sau buổi gặp mặt đầy xúc động với những đồng đội cũ ở phi đội Quyết Thắng năm ấy, tôi đưa ba On về nhà mình ở Hà Nội nghỉ ngơi. Rồi vợ chồng tôi quyết định đưa ba On đi Quảng Ninh để thăm vịnh Hạ Long. Tôi muốn ba được thấy miền Bắc hôm nay ra sao. Dẫu biết, 50 năm trước, ba ở phía bên kia chiến tuyến, có thể đã nghe những điều méo mó về nửa còn lại của đất nước.
Lúc chuẩn bị hành lý, tôi thấy ba chỉ có 2 chiếc áo sơ mi cũ - vẫn là những chiếc tôi từng thấy khi làm phóng sự tại quê nhà ba. Tôi lặng lẽ lấy áo của chồng đưa cho ba, nói khẽ: "Ba mặc cái này cho mát". Ba cười, từ chối đôi ba lần rồi nhận. Cái cách ba nhận - nhẹ tênh mà rưng rưng lòng người.
Tôi đặt khách sạn 5 sao. Ba càm ràm: "Con đặt chi chỗ to thế, tốn tiền". Tôi chỉ cười. Tối ấy ở Quảng Ninh, ba lần đầu được ăn chả mực, ngán nướng… Những món mà cả đời nông dân miền Tây như ba chưa từng nếm. Ba không khách sáo, chỉ thật thà: "Ngon dữ lắm!".
Sáng hôm sau, chúng tôi xuống ăn buffet ở khách sạn. Tôi chủ quan, nghĩ ba chắc cũng biết ăn thế nào. Đi một vòng quay lại, tôi thấy ba ngồi một góc, trước mặt là chiếc đĩa to với mỗi bánh mì và patê. Ba ngẩng lên, cười hồn hậu: "Lần đầu tiên ba được ăn kiểu này. Ăn vậy là no rồi con". Tôi nghẹn giọng. Một người từng được sang Mỹ học và cầm lái máy bay A37, giờ đây lại bỡ ngỡ với buffet sáng của khách sạn. Tôi ngồi cạnh, chỉ cho ba từng món - bảo ba ăn thử mỗi thứ một ít để biết các vị khác nhau. Ba cười: "Để lần sau đi, lần này ăn vậy là vui rồi". Tôi thầm ước: "Giá như ba có nhiều lần sau hơn nữa".
Chiều về Hà Nội, chúng tôi đi ăn tối với vài đồng đội cũ của ba trong phi đội Quyết Thắng. Mọi người quý mến, biếu ba đủ các thứ quà quê. Quà nhiều quá, ba không biết xếp sao cho hết vào túi. Vợ chồng tôi quyết định mua thêm cho ba một cái vali kéo - lần đầu tiên ba có cái vali như thế trong đời.
Tối hôm đó, cả nhà phụ ba sắp đồ: nào bánh cốm, chè Bắc, kẹo vừng, vài cái áo sơ mi, thuốc bổ, bộ quân phục mới và cả mô hình chiếc máy bay mà Quân chủng Phòng không - Không quân tặng ba. Mọi thứ được gói ghém trong tình cảm của bạn bè, đồng đội và của vợ chồng tôi - những người trẻ chưa từng đi qua chiến tranh, nhưng biết ơn sâu sắc những người đã kiến tạo hòa bình.

3/6 phi công của phi đội Quyết Thắng. Từ trái sang: Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục, Trần Văn On
Chỉ cần một hòa bình giản đơn
Sáng hôm sau, vợ chồng tôi đưa ba ra sân bay trở về quê nhà. Giữa phi trường hiện đại, một lần nữa tôi thấy ba lóng ngóng. Từ việc lấy vé, cân hành lý đến thủ tục an ninh sân bay - việc nào cũng cần người hướng dẫn. Tôi cứ chăm chăm nhìn ba đầy thương cảm và tự hỏi: "Bao người đang lên máy bay như thể là chuyện thường ngày, có mấy ai biết rằng ông cụ kia - người đang loay hoay kia - từng là phi công thật sự, từng bay vì ngày thống nhất non sông?".
Khi ba đã lên máy bay an toàn, tôi lại cuống quýt gọi điện để dặn đi dặn lại cách lấy hành lý ký gửi khi hạ cánh. Ôi, tôi đang dạy cho một phi công cách lên máy bay!
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải. Việt Nam hôm nay là một đất nước phát triển, hội nhập, vươn mình ra thế giới. Chúng ta tự do đi lại, ăn sáng buffet, ngủ khách sạn 5 sao, check-in trên vịnh Hạ Long, ra sân bay như cơm bữa… là nhờ những người như ba On đã chọn cất cánh vì Tổ quốc, vì chính nghĩa. Sau thời khắc phi thường ấy, họ lặng lẽ quay về sống đời bình thường, không cần ghi danh, không cần trả ơn. Họ chỉ cần một hòa bình giản đơn với mùi thơm của lúa đến thì trĩu hạt, có con đường nhỏ quanh co trong xóm với hàng cau, rặng dừa xanh ngắt và vòm trời bao la không có tiếng gầm rú của máy bay xâm lược.
Nhiều người hỏi tôi: Sao quý ba On thế? Tôi không có câu trả lời. Tôi chỉ hiểu, với những người như ông, cuộc đời không cần trả ơn, chỉ cần nhớ ơn.
50 năm hòa bình đổi bằng cả sự hy sinh lặng lẽ của những con người chưa bao giờ đòi được nhớ đến như thế!...

Ông Trần Văn On và đồng đội chụp ảnh lưu niệm bên máy bay A37
Suốt 50 năm qua, cựu phi công Trần Văn On loay hoay với cuộc sống bộn bề khó khăn ở quê nghèo Tiền Giang, thậm chí lúc mới trở về, ông còn phải chịu cả những sự hiểu nhầm không đáng có mà không thể nào giải thích. Phải mất 30 năm sau ngày giải phóng, đồng đội mới tìm được ông để trao tấm Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất cho chiến công năm xưa. Lặng lẽ giữa thời bình, ông bảo: "Tui chỉ là một phi công đã hoàn thành nhiệm vụ".
