Bài học thuộc lòng

Ô nhiễm không khí, môi trường đang trở thành vấn đề nóng của toàn cầu. Nguyên nhân vẫn do con người gây ra. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên toàn thế giới có 2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí, trong đó hơn một nửa nạn nhân sinh sống trong các nước đang phát triển.

Ông Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp Hà Nội, cho biết chưa kể các ô nhiễm khác như đất, nước..., nạn ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội đang gây thiệt hại mỗi ngày một tỉ đồng, một năm thiệt hại đến 365 tỉ đồng. Tính thêm các thành phố lớn trong cả nước thì con số thiệt hại về môi trường không khí mỗi năm sẽ vô cùng lớn.

Tôi gặp một người Mỹ, công tác tại Tổ chức “Kids first” có trụ sở đóng ở tỉnh Quảng Trị, khi chiếc xe Honda của anh hỏng máy giữa đường. Anh tự sửa chữa, khi xe nổ máy trở lại thì hai tay anh dính đầy dầu nhớt. Tôi ngỏ ý giúp đỡ. Bước vào quán bên đường, tôi xin một tờ giấy đưa cho anh. Lau tay xong, nhìn quanh không thấy thùng rác, anh gấp nhỏ miếng giấy đầy dầu mỡ, cẩn thận bỏ vào túi quần, rồi nói rằng khi nào gặp thùng rác anh sẽ bỏ miếng giấy bẩn vào đúng chỗ. Anh cho biết, ở đất nước của anh, ngay từ nhỏ trẻ em đã được dạy không quẳng bất kỳ một thứ gì ra đường, dù là mẩu giấy rất nhỏ. “Giáo dục con người từ tuổi ấu thơ có ý thức, trách nhiệm đối với những việc làm nhỏ nhất sẽ góp phần mang lại cho xã hội những thành quả thiết thực và bền vững hơn”, anh nhấn mạnh.

Nhớ lại, hơn một trăm năm trước, khi người Pháp bắt đầu xây dựng các đô thị ở nước ta, họ đều có những quy định rất nghiêm ngặt trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tại quyết định thành lập trung tâm đô thị Quảng Trị vào năm 1906 (cách nay đúng 100 năm, bây giờ là thị xã Quảng Trị) có rất nhiều nội dung xây dựng môi trường văn minh, trong đó có ghi: “Cấm ném rác xuống đường phố”. Nếu phát hiện ai ném rác xuống đường phố sẽ bị phạt tiền nặng. Ở Singapore, một đảo quốc nằm cùng khối ASEAN, có môi trường sống nổi tiếng sạch sẽ. Người dân và du khách ở đây không được quẳng một thứ gì lên đường, dù là kẹo cao su hoặc mẩu thuốc lá. Những ứng xử thể hiện sự văn minh này, từ mấy chục năm trước, học sinh của Singapore đã được học thuộc lòng hằng ngày.

Nhìn lại Việt Nam, chúng ta phải bắt đầu bằng bài học giáo dục cho con trẻ biết ứng xử văn minh với môi trường đô thị. Hình thành cho được ý thức bảo vệ môi trường trong thường trực suy nghĩ của mỗi công dân, ngay từ khi mới lớn lên. Được như vậy, thì Việt Nam mới có một môi trường sống ít bị ô nhiễm hơn. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không thể qua loa, đối phó cho có lệ theo kiểu chỉ “dọn nhà sạch sẽ khi có khách đến thăm”.