“Biết điều”là gì?
Qua loạt bài “Cà phê thác loạn” (Báo Người Lao Động từ ngày 4-4), hàng loạt điểm kinh doanh trá hình đã bị bêu tên trước công chúng và người dân còn biết thêm trách nhiệm của một số cơ quan công quyền
Mới khảo sát quận 11 và quận Bình Tân thôi mà nạn cà phê trá hình đã hiển thị hết sức nhức nhối. Tình trạng này cũng có ở nhiều quận, huyện khác tại TPHCM. Đáng nói là vấn đề này không mới, đã từng được báo chí và người dân phản ánh nhiều lần song vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng lộ liễu hơn. Bằng chứng là có rất nhiều quán cà phê thác loạn nằm sát nách các cơ quan công quyền, hoạt động công khai suốt ngày đêm.
Từ đó người dân không khỏi nghi ngờ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa bàn. “Thỉnh thoảng mấy ổng cũng ghé nhưng mình “biết điều” nên mấy ổng làm ngơ, chứ địa bàn của mấy ổng sao lại không biết được!?”. Lời của người quản lý một quán cà phê thác loạn trên đường Lạc Long Quân, quận 11 đã trả lời cho nghi vấn này.
Cái sự “biết điều” ấy là gì, chắc ai cũng biết, nếu không làm sao những con voi có thể chui lọt qua lỗ kim?
Không chỉ là cà phê trá hình, hàng loạt vụ việc bị phanh phui gần đây tại một số địa phương đều có phần nguyên nhân thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Điển hình là “tập đoàn kích dục” Tân Hoàng Phát lộng hành trên địa bàn phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức - TPHCM trong một thời gian khá lâu, bị người dân tố cáo sai phạm nhiều lần nhưng không bị sờ gáy, mãi đến khi Công an TP ra tay mới triệt phá được. Mới đây nhất là vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành - Nghệ An khiến 18 người thiệt mạng, chủ mỏ đã bỏ qua các quy định về quy trình khai thác đá và an toàn lao động, cơ quan chức năng địa phương nương tay, thiếu kiểm tra thường xuyên nên tai nạn thảm khốc đã xảy ra.
Lực lượng chức năng các địa phương có đủ nghiệp vụ quản lý và thẩm quyền thanh - kiểm tra, xử phạt… nên không thể nói là không biết, không phát hiện được những sai phạm kể trên. Điều khiếm khuyết, cũng là kẽ hở để những sai phạm ấy tồn tại, chính là sự thiếu trách nhiệm - đạo đức công vụ. Được trao quyền thi hành chính sách để quản lý xã hội nhưng rất tiếc một bộ phận cán bộ đã biến chính sách công thành lợi ích tư.
Cả nước ta đang quyết liệt chống tham nhũng và cải cách hành chính. Nạn “ăn vặt” và buông lỏng quản lý kể trên đang đi ngược lại những nỗ lực đó. Muốn thực hiện tốt chính sách, phải có bộ máy tốt và cán bộ thực sự là “công bộc của dân”, “tận tụy phục vụ nhân dân” như trong Pháp lệnh Cán bộ công chức và Luật Cán bộ công chức quy định. Vì thế, lại phải bắt đầu từ công tác cán bộ, đồng thời tiếp tục vá những lỗ thủng trong đội ngũ công chức.