Chính kiến và trách nhiệm

Chúng ta vừa trải qua thời kỳ 20 năm đổi mới. Cùng với thành tựu thu được, dân trí ngày càng cao, dân chủ từ cơ sở đến trung ương ngày càng được phát huy. Đại đoàn kết, đổi mới và hội nhập trở thành đại nghĩa của dân tộc.

Do đó chính sự luôn luôn sôi nổi, dồn dập. Nhiều câu hỏi của cuộc sống được đặt ra, thẳng thắn, không né tránh, không ngại bị quy chụp. Trước thực tế đó, có lúc, có nơi, một bộ phận không nhỏ quan chức không bắt kịp nhịp sống, thiếu tâm, thiếu tầm trong cách ứng xử đưa ra những kết luận “trung tính”, nhận xét chung chung. Người dân lắm khi phải nản lòng, nhàm chán với những bài phát biểu hô hào khẩu hiệu, nghèo tư duy sáng tạo, thiếu tính thuyết phục - nói chung là “thiếu chính kiến” như nhận xét của một lãnh đạo cao cấp của Đảng khi nêu ra các tiêu chí chọn lựa nhân sự Đại hội X.

Quả thật, hiện tượng “thiếu chính kiến” là điều khá phổ biến ở một số quan chức cán bộ, khiến cho nhiều chính sách, chủ trương rất tốt của Đảng mất sức thu hút đối với quần chúng nhân dân. “Thiếu chính kiến” đồng nghĩa với vô cảm, vô tài, né tránh trách nhiệm. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân nghe được, đọc được một số tham luận, báo cáo, đánh giá đầy rẫy những mỹ từ văn chương... “huề vốn”, đại loại như “khuyết điểm do cơ chế, trì trệ do quy trình, sai phạm do hạn chế năng lực, thiên tai, dịch bệnh do... trời; còn biện pháp xử lý thì... “xin ý kiến chỉ đạo ở trên”. Rốt cuộc, “mọi người đều sai lầm, mọi người đều có lý”.

Ở một khía cạnh nào đó, cách nói như vậy phản ánh một tâm trạng phòng bị, lo xa (thường khá phổ biến sau mỗi lần bầu cử hoặc đại hội).

Cách nói như vậy nếu không kịp xóa bỏ, sẽ dẫn đến một xã hội vô cảm, một chính quyền thụ động, một đội ngũ quan chức “sáng vác ô đi tối vác về”.

Cuộc sống của người dân là một cuộc sống thực và liên tục chuyển động không thể dừng lại và lệ thuộc vào sự chia cắt của những nhiệm kỳ, những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống thực cần có những quyết sách kịp thời và cụ thể. Vì vậy, trong một phạm vi nào đó, người dân trông chờ được nghe một tiếng “Tôi” với nội hàm trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng từ các nhà lãnh đạo, tiếng “Tôi” mà Bác Hồ đã dùng trong câu nói trứ danh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”, thay vì hai tiếng “Chúng ta”, đôi khi có một nghĩa rất trung tính - không chỉ rõ ai cả (impersonnel) - mờ nhạt, thiếu ấn tượng để có thể chinh phục lòng người.