Đừng lạm dụng
Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ hay trên thế giới. Người nước ngoài vẫn ca ngợi rằng dân ta phát ngôn, hoặc đọc văn nghe hay như chim hót. Tiếng Việt khá phong phú, đặc biệt giàu từ vựng, mang ngữ nghĩa cụ thể.
Ngay trong những năm chịu ảnh hưởng mạnh của phong kiến phương Bắc, ông cha ta cũng không chấp nhận tiếng Hán làm ngôn ngữ quốc gia, ngược lại đã dày công sáng tạo ra chữ Nôm (mặc dầu đã khai thác sử dụng mặt tích cực của Hán văn). Sau ngày độc lập (2-9-1945), Nhà nước đã lấy tiếng Việt làm “Ngôn ngữ quốc gia” và sử dụng nó để giảng dạy ở các trường, kể cả đại học, chứ không dùng ngoại ngữ.Thế nhưng, giờ đây, một số ít người Việt trong nước lại quá chuộng tiếng nước ngoài, hình như trong mỗi lần phát ngôn họ phải điểm thêm vài từ ngoại thì mới là sành điệu, mới có vẻ sang trọng, uyên bác về tri thức... Điều đó gây cho đa số người nghe nhiều khó khăn, thậm chí có người biết ít nhiều ngoại ngữ cũng phải tra cứu từ điển mới hiểu rõ.
Chẳng hạn thay cho việc nói là (trận) “tranh vé vớt”, thì họ dùng tiếng Anh: trận “plây-op” (play off), có thể nói “chơi ép sân”, thì dùng cụm từ “chơi pretx-xing” (pressing). Việc họ sử dụng từ tiếng Anh thay cho các từ đồng nghĩa ở tiếng Việt là khá nhiều và thường xuyên. Chúng ta xem trên báo chí hay nghe thấy nhiều lần họ dùng các từ: “hót” (hot), “phen” (fan), “em-xi” (MC), phong cách “prồ” (pro: chuyên nghiệp)... Một số từ ngữ hướng dẫn cũng được người ta viết bằng tiếng Anh, không ghi chú tiếng Việt (ví dụ: push, pull ở bưu điện), thậm chí ở cả những nơi chỉ có người Việt, chứ không có người ngoại quốc, thì một số từ ngữ chỉ dẫn cũng viết bằng Anh ngữ... Rất nhiều trường hợp người Việt dùng tiếng Tây để đặt tên cho cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, các ban nhạc trẻ. Nếu cung cách này kéo dài thì trong tương lai, đời sống ngôn ngữ của chúng ta sẽ lai căng, bát nháo mất.
Ở Pháp, các cửa hiệu, tên hàng hóa cũng không được tự do đặt bằng tiếng Anh. Ở Nhật, tại Tokyo người ta dùng toàn tiếng Nhật cho các bảng hiệu, bảng hướng dẫn ở nơi công cộng (thậm chí không có phụ chú bằng tiếng Anh). Đặc biệt, ở Malaysia, các quan chức có thể bị phạt tiền đến 1.000 ringgit (khoảng 272 USD) nếu sử dụng tiếng Anh trong quốc hội hay các hoạt động của chính phủ.
Tất nhiên, trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, chúng ta khuyến khích việc nắm vững một hay nhiều ngoại ngữ. Ta có thể chấp nhận cách chú thích thêm tiếng Anh kèm theo với các phần tiếng Việt trong các văn bản, chấp nhận việc đặt tên các hàng hóa khi cần, đúng theo quy định, chấp nhập lối nói có dùng từ nhập ngoại, nếu các từ ngữ đó (từ nước ngoài du nhập vào tiếng Việt) mang lại sắc thái đặc biệt nào đó.
Sự lạm dụng tiếng nước ngoài có phần coi rẻ tiếng mẹ đẻ của ta chỉ làm hạ thấp giá trị tiếng Việt. Chúng ta chỉ nên dùng tiếng nước ngoài trong những trường hợp thật cần thiết mà thôi!