Hãy là “bà đỡ”

Con dao hận thù tước đi mạng sống của em Lưu Thành Tú, học sinh Trường THPT Hồng Bàng, thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc- Đồng Nai) cũng là con dao lóe sáng giữa màn đêm, báo động về nỗi sợ hãi và ngờ vực trong xã hội.

Thêm một vết dầu loang trong ngành giáo dục. Sẽ khó giải thích hành động bạo lực mới này nếu tách nó ra như một hiện tượng đơn lẻ. Có thể khái quát rằng đó là sự phát sinh tất yếu sau một quá trình tích tụ nhiều vấn đề trong lòng ngành giáo dục.

 

Nói cách khác, ngành giáo dục đang bắt đầu trả giá cho bệnh hình thức, quan liêu, xa rời thực tế; thậm chí trả giá đắt hơn cho khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” đã không được hiện thực hóa dù nó được trương lên khắp các trường học.

Hàng loạt vụ bạo lực học đường gần đây rơi vào lứa tuổi trung học (cả THCS và THPT), tức độ tuổi ta thường gọi là teen, từ 13 đến 19. Khoa học đã chứng minh đây là lứa tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa đủ chín chắn, là thời kỳ “quá độ” để trở thành người lớn. Ở giai đoạn này, sự thay đổi sinh lý mạnh mẽ tác động liên tục đến tâm lý theo định luật tâm sinh lý song hành.

Điều đó giải thích vì sao lứa tuổi này thường “nổi loạn” hay tự cho mình là “trung tâm của vũ trụ”. Lứa tuổi này tỏ ra hoạt náo, hiếu động nhưng cũng rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn tùy vào tác động của môi trường.

Tuy muốn khẳng định “cái tôi” của mình, nhưng thế giới tuổi teen lại đặc biệt nhạy cảm với những tấm gương tốt hoặc xấu chung quanh. Mức độ tiêu cực phát tán từ sự “nổi loạn” của tuổi này phụ thuộc vào việc họ tiếp nhận nhiều hay ít gương xấu từ trong gia đình ra ngoài xã hội.


Tính chất “quá độ” của lứa tuổi này rõ ràng rất cần đến một “bà đỡ” vừa giỏi giang vừa dịu dàng, biết thấu cảm và có hiểu biết nhất định trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. “Bà đỡ” đó không chỉ cần thiết trong gia đình, trường học mà còn ở những thiết chế xã hội khác. Có thể lấy dẫn chứng từ lĩnh vực truyền thông đại chúng. Phải nói rằng, chúng ta đang trở nên bội thực bởi quá nhiều loại quảng cáo truyền hình kích thích tính thực dụng và mê đắm vật chất.

Mặt khác, “đất diễn” cho sự hào nhoáng, xa hoa thậm chí bạo lực trên các phương tiện truyền thông cũng quá thênh thang so với những chương trình mang tính nhân văn nhằm nâng tâm hồn và trí tuệ con người lên. Tất nhiên, đó chỉ mới là một dẫn chứng và nó chưa nói hết sự thiếu công bằng đối với cuộc sống văn hóa vốn là nền tảng tinh thần của xã hội.

Bằng cách này hay cách khác, sự phản ứng của thế giới tuổi teen luôn mang một thông điệp nào đó cho người lớn. Hãy lưu ý và tìm cách giải mã nó.