Không “hòa cả làng”

Không “hòa cả làng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri đầu tiên sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH)khóa XIII, kỳ họp mà lần đầu tiên QH lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân bầu và phê chuẩn.

Ghi nhận những kết quả tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm song cũng có ý kiến cử tri tỏ ra băn khoăn trước việc đưa ra 3 mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ý kiến này cho rằng phiếu tín nhiệm chỉ nên có 2 loại tín nhiệm và không tín nhiệm.

Giải đáp băn khoăn trên, Tổng Bí thư khẳng định rằng việc để 3 mức đánh giá tín nhiệm không phải “thủ thuật hòa cả làng”. Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cho rằng đây là một kênh thăm dò uy tín cán bộ rất quan trọng. Theo ông, kết quả tín nhiệm chưa cao sẽ là một sự cảnh tỉnh, cảnh báo để người được lấy phiếu tín nhiệm kịp thời chấn chỉnh lại mình.

Cho rằng lấy và công khai phiếu tín nhiệm là tiếp tục không khí dân chủ công khai, một bước tiến xa và toàn dân làm việc nước song Tổng Bí thư cũng nghĩ đây là việc khó, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. “Việc khó” bắt đầu từ cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước sẽ được tiếp nối ở những cơ quan quyền lực cấp tỉnh và TP ngay trong tháng 7 tới đây. Thông tin từ HĐND TP Hà Nội và TP HCM cho thấy cách thức tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do 2 cơ quan này bầu và phê chuẩn cũng tương tự như tại QH, với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Cách thức có thể tương tự song có thể thấy rằng việc nhìn nhận, đánh giá các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn thuận tiện hơn nhiều so với công việc tương tự tại QH. Phạm vi hẹp hơn, cụ thể hơn, gần gũi hơn, trực diện hơn… nên các đại biểu HĐND có điều kiện nhìn nhận và đánh giá các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn chính xác hơn.

Song điều quan trọng nhất vẫn là người dân và cử tri thấy lĩnh vực mà chức danh lấy phiếu tín nhiệm hoạt động ra sao, phục vụ thế nào, có gây khó khăn, phiền hà hay nhũng nhiễu với người dân hay không… Thế nên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần phản ánh ý chí của cử tri chứ không chỉ là đánh giá của người đại biểu của nhân dân.

Do vậy, đại biểu QH hay đại biểu HĐND bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cũng chính là bỏ phiếu tín nhiệm cho mình trước cử tri. Kết quả đó, như lời của Tổng Bí thư, là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn ngừa trước, chứ không “hòa cả làng”.