Mặc cả với pháp luật

Liên tiếp trên nhiều số báo phát hành từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11-2006, Báo NLĐ, từ phản ánh đầy bức xúc của bạn đọc, đã đưa ra ánh sáng vụ lãnh đạo chính quyền huyện Đồng Phú- Bình Phước lợi dụng chủ trương quy hoạch, xây dựng để chia chác đất công.

Nhiều tình tiết trớ trêu trong cách hành xử đứng trên pháp luật, bỏ qua các quy định, chính sách Nhà nước, coi thường quyền lợi và đời sống người dân của một số cán bộ lãnh đạo huyện đã được phơi bày. Lợi dụng việc thực hiện chủ trương xây dựng khu trung tâm hành chính huyện, huyện đã xin tỉnh cho phép cấp đất tái định cư cho cán bộ công chức từ quỹ đất dự trữ, “chia xẻ” từ phần đất tại trung tâm hành chính này.

Sau khi giải phóng mặt bằng, trong đó có việc giải tỏa nhiều nhà, đất của các hộ dân, UBND huyện Đồng Phú đã lấy trên 27.000 m2 đất để chia lô cấp cho cán bộ huyện. Tất cả đều được chia phần theo cách “trưởng trước, phó sau, lau nhau xếp lớp”. Riêng 14 lô đất có giá trị cao nhất nằm ở vị trí đẹp, mặt tiền được cấp cho 14 cán bộ là ủy viên thường vụ huyện ủy (các khóa). Điều trớ trêu là tất cả họ đều đã có chỗ ở ổn định, nhiều người nhà cao, cửa rộng. Vào lúc người dân trong diện giải tỏa phải nhận mức đền bù rẻ mạt và phải chạy vạy, khốn đốn tậu nơi ở mới thì nhiều lô đất được phân chia cho cán bộ tức tốc được sang tay cho chủ khác để hưởng chênh lệch hoặc cho thuê để kiếm lời.

Trước sự lên tiếng của dư luận xã hội, lãnh đạo tỉnh Bình Phước tỏ vẻ không nhất quán trong cách truy tìm nguyên nhân và xử lý sai phạm. Trong khi ông Nguyễn Hữu Luật, Bí thư Tỉnh ủy, xác định đây là hành vi lợi dụng sơ hở của tỉnh để làm bậy và chỉ đạo ai sai phải sửa ngay, phải tự xử trước, nếu sửa không nghiêm túc thì tỉnh sẽ ra tay sửa tiếp thì chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Hưng, lại cho rằng đây chỉ là sơ suất và anh em tự sửa, rút kinh nghiệm, rằng “chỉ là do trong quá trình làm, anh em không lường hết thôi” và “sẽ sửa sai bằng cách trả lại đất, bán đấu giá nộp vào ngân sách”.

Nhưng thật lạ lẫm đến bàng hoàng, cách sửa sai và tự xử, rút kinh nghiệm của những người có trách nhiệm ở huyện Đồng Phú là: Các cán bộ được chia đất theo chủ trương sai trái này sẽ trả lại các lô đất của mình với điều kiện Nhà nước phải “đền bù thỏa đáng theo giá hiện hành”. Cả ba phương án mà huyện Đồng Phú vừa đưa ra đều có lợi cho người đã được chia đất công. Cách thức này khác gì việc biến cái sai của mình khi tự tiện chia chác tài sản Nhà nước thành chuyện đã rồi, sau đó tiếp tục đẩy cái sai cho Nhà nước để Nhà nước nai lưng ra gánh chịu! Có người gọi đó là hành động mặc cả với Nhà nước, nhưng Nhà nước ở đây là ai khi chính họ cũng là những người đứng đầu chính quyền cơ sở? Phải gọi đó là sự mặc cả càn bừa với pháp luật của những người “điếc không sợ súng”, điên cuồng cay cú khi lòng tham của mình bị phát hiện. Ở đây, họ không hề thấy cái sai hoặc ân hận vì đã gây ra điều bức xúc cho xã hội, gây ra cảnh mất lòng tin nơi người dân. Họ đã giành quyền tự xử và cách xử của họ là: Không thèm cho “chìm xuồng” như dư luận lo ngại mà còn nghênh ngang cho xuồng nổ máy chạy giữa kênh rạch để thách thức, trêu ngươi.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều qua, 27-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố nâng cao hiệu lực bộ máy chính quyền các cấp là phải chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong đó nêu rõ năng lực và cái tâm trong sáng của cán bộ công chức. Những cán bộ lãnh đạo huyện Đồng Phú, qua việc làm của mình, đã đánh mất niềm tin không chỉ của các hộ dân bị giải tỏa mà còn của cả cộng đồng vào bộ máy chính quyền cơ sở. Trên thực tế, họ đã gây cho người dân nỗi lo về sự thao túng quyền lực, về các biểu hiện lợi dụng chức quyền để trục lợi, coi thường lợi ích Nhà nước và đời sống người dân.