Sống để yêu thương

“Làm được cái gì giúp ích cho xã hội mới không uổng phí cuộc đời. Mình còn làm được mà không làm là có lỗi với bản thân”. Đó là lý do cụ bà Phan Thị Ngọc Huệ (78 tuổi) suốt 11 năm lặn lội đi tìm cây thuốc nam để làm thuốc cứu người nghèo.

Không chỉ cụ Huệ, còn rất nhiều những tấm lòng lặng lẽ góp công, góp của, không quản ngại nắng mưa đi vận động khắp nơi để giúp người nghèo có thêm manh áo, chén cơm. Với suy nghĩ: “Mình san sẻ được gì thì cứ san sẻ, chẳng cần giàu có mới làm được”, thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy (ngụ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vượt lên tật nguyền, quyết tâm học và dạy những đứa trẻ đồng cảnh ngộ để tương lai các em được rộng mở hơn; nữ thương binh Trần Thị Cẩm Giang (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) bán nhà để xây dựng mái ấm tình thương; nhóm bạn trẻ G 9 (TP HCM) định kỳ 2 tuần/lần phát cháo đêm cho những người cơ nhỡ, không nhà hay nhóm những người làm đủ nghề như công nhân, giữ trẻ, phụ bán quán ăn… chắt chiu từng đồng, cân đường, ký đậu, bún, rau củ… để cuối tuần phát sữa đậu nành, bún xào miễn phí cho người nghèo ở Bình Dương… Những gì họ làm đã chứng minh rằng không phải thật nhiều tiền mới có thể làm từ thiện. Chỉ cần biết yêu thương, nghĩ đến người khác, bằng cách này hay cách khác, các “ông bụt”, “bà tiên” đã có thể giúp được những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, dệt nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

Trong bối cảnh tội phạm các loại gia tăng, hầu như ngày nào cũng nhan nhản những thông tin giết người, cướp của, hiếp dâm, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo… đến mức trở thành... bình thường; những tiêu cực trong xã hội như: đại gia phung phí tiền triệu cho những bữa ăn nhậu; một số thanh thiếu niên đêm ngày quay cuồng trong tiếng nhạc đinh tai cùng những cơn phê dài của ma túy hoặc một bộ phận giới trẻ sống vô cảm, ích kỷ, thực dụng… gây ra một mảng màu tối đối với đời sống xã hội khiến mỗi chúng ta cũng có lúc dao động, mất niềm tin.

Những câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã như ly nước mát trong lành, thanh lọc tâm hồn, tiếp thêm niềm tin mãnh liệt vào các giá trị đạo đức, lòng tốt, tình người… để chúng ta thấy rằng bên cạnh những bề trái xã hội, cuộc sống xung quanh vẫn còn đó biết bao tấm lòng cao quý và đáng kính trọng.

Vì thế, dẫu những “ông bụt”, “bà tiên” thời hiện đại không thể biến những người nghèo khổ, bất hạnh trở nên giàu có, sung sướng nhưng xã hội vẫn cần lắm những tấm lòng vàng như thế.