Tham nhũng là quốc nhục

Một lời nói có thể làm cho nước hưng thịnh, một lời nói có thể làm mất nước, chuyện đó có không? Trả lời câu hỏi này của vua nước Lỗ, Khổng Tử đáp: “Làm vua khó, làm bầy tôi cũng không dễ”. Nếu biết được chỗ khó của “việc làm vua” thì không chừng một lời nói làm nước nhà hưng thịnh cũng nên!

Biết được cái khó đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 60 năm tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa đầu tiên đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những vấn đề trọng đại của quốc sự thời bấy giờ như sau:

“Trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban đông lắm, phức tạp lắm... Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ...” (Theo GS Dương Trung Quốc - Những giá trị bền vững và nhân bản - NLĐ 2-7-2006).

Thật vậy, một tư tưởng chủ đạo nào đó mà nhà lãnh đạo nắm giữ sẽ liên quan đến sự hưng vong của một quốc gia. Cái khó hiện nay mà toàn Đảng, toàn dân đều ý thức rõ đó là cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa X), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang khẳng định tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng và tuyên bố kiên quyết không để có “vùng cấm”, “vùng an toàn”, dù người đó là ai, đang công tác hay đã nghỉ hưu. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, lãng phí Trung ương, còn nhấn mạnh thêm bằng cách hình tượng hóa ý tưởng chủ đạo này: Muốn nước trong thì nước đầu nguồn cũng phải trong. Nghe đến đây, người dân chợt liên tưởng đến câu nói của vua Duy Tân khi còn là ấu chúa: “Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy gì mà rửa?”. Nước ta bẩn thời đó là do nước mất nhà tan dưới gót giày xâm lược của ngoại bang.

Trước đây, dưới chế độ Sài Gòn cũ, cựu thủ tướng Trần Văn Hương, khi nói về chống tham nhũng đã tuyên bố một câu “để đời”: “Diệt hết tham quan ô lại thì lấy ai làm việc!”. Quả là một lời nói cảnh báo sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn như lịch sử đã chứng minh. Đừng đi theo vết xe đã đổ, đó là lời cảnh báo chung cho toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp làm “sạch nước” hiện nay.

Lại một lần nữa đặt câu hỏi: “Nước bẩn vì tham nhũng lấy gì mà rửa?”, dư luận xã hội hoan nghênh và đồng tình với câu trả lời đầy quyết tâm của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng: Tăng cường sự giám sát của dân, cương quyết không để có vùng cấm, vùng an toàn.

Tham nhũng vừa là quốc nạn, vừa là quốc nhục!