Cây dừa "lên đời"

Chỉ với một chiếc điện thoại, người tiêu dùng có thể quét mã QR để "định danh" từng cây dừa.

Mô hình "Cây dừa nhà tôi" được anh Lưu Anh Vũ (34 tuổi) ở thôn Tùng Chánh, xã Hòa Hội, tỉnh Gia Lai hình thành từ năm 2024. Điểm độc đáo của mô hình này là mỗi cây dừa đều được "cấp" mã QR riêng, như một "giấy khai sinh điện tử".

Khi quét mã, người mua có thể biết rõ cây được trồng khi nào, giống gì, ai là người "sở hữu", quá trình chăm sóc ra sao, sản lượng thế nào... Toàn bộ thông tin được cập nhật minh bạch, giúp khách hàng yên tâm tuyệt đối về chất lượng.

Khách hàng có thể chọn dừa trực tiếp tại vườn hoặc đặt mua online. Chủ vườn sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc và cập nhật tình hình định kỳ qua hình ảnh. Khi đến mùa thu hoạch, người mua có thể đến hái tại vườn hoặc nhận trái dừa từ chủ vườn gửi tận nhà. Một cây dừa cho khoảng 100-120 trái mỗi năm, giá mua trọn gói từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Năm 2016, anh Vũ quyết định chuyển đổi toàn bộ 1,5 ha đất trồng mì, đậu sang trồng dừa xiêm. Đây là loại cây dễ trồng, chi phí thấp và phù hợp với khí hậu khô hạn. Vườn dừa của anh được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Phân chuồng, nước thải từ chăn nuôi được tận dụng làm phân bón vi sinh.

Ban đầu, anh Vũ còn trồng xen đậu phộng, thả gà, nuôi bò để cải thiện đất và tăng thu nhập. Sau 30 tháng, dừa bắt đầu cho trái và đến năm thứ 4 thì anh thu hoạch ổn định quanh năm. Một cây dừa mang lại lợi nhuận cho gia đình anh khoảng 1 triệu đồng/năm, chưa kể thu nhập từ cây giống với giá bán 40.000 - 60.000 đồng/cây.

Cây dừa "lên đời"- Ảnh 1.

Anh Lưu Anh Vũ (phải) thu hoạch trái dừa cho khách từ “Cây dừa nhà tôi”

Lợi nhuận tài chính không phải là điều duy nhất mà mô hình này mang lại. Nhiều người dân đô thị xem đây là một hình thức kết nối cảm xúc: họ chụp ảnh cùng "cây dừa của mình", theo dõi sự phát triển từng trái dừa, cảm nhận sự gắn bó giữa người trồng với người mua. Một "sàn giao dịch niềm tin" đã được hình thành - nơi khách hàng cảm thấy được trao gửi sự tin cậy, còn người trồng dừa nhận lại sự trân trọng và tín nhiệm từ xã hội.

"Tôi chỉ cần chăm sóc cây thật tốt, khách hàng sẽ đến" - anh Vũ tự tin. Nhưng đằng sau đúc kết nhẹ nhàng đó là cả một triết lý làm nông hiện đại: Lấy chất lượng làm gốc, lấy sự minh bạch làm cầu nối và lấy công nghệ làm công cụ để mở đường ra thị trường rộng lớn. Không chỉ dừng lại ở sáng kiến cá nhân, mô hình "Cây dừa nhà tôi" đang được nhân rộng và trở thành bước khởi đầu cho hành trình số hóa nông nghiệp tại Gia Lai.

Ông Đặng Văn Hoàng - chủ một vườn dừa hữu cơ 120 cây ở xã Hòa Hội, tỉnh Gia Lai - cho biết: "Sau khi tham gia mô hình "Cây dừa nhà tôi", chúng tôi được hỗ trợ tạo cơ sở dữ liệu cây trồng rất bài bản. Mỗi cây đều có thông tin định danh rõ ràng, từ giống, tuổi cây, thời điểm trồng đến giá bán. Điều này giúp nhà vườn quản lý hiệu quả và tạo sự minh bạch khi đưa sản phẩm ra thị trường".

Hiệu ứng tích cực từ mô hình này nhanh chóng lan rộng. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, đến nay, hàng chục hộ dân đã tham gia mô hình, đồng loạt áp dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc gắn định danh giúp nâng cao giá trị trái dừa, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng quy mô canh tác theo hướng bền vững.

Đáng chú ý, Gia Lai đã hoàn tất thủ tục cấp mã số vùng trồng cho 130 hộ dân với tổng diện tích trên 50 ha dừa xiêm - đáp ứng điều kiện để xuất khẩu. Bước tiến này quan trọng, mở ra cơ hội vươn ra thị trường quốc tế cho cây dừa địa phương. Các mô hình hợp tác xã, tổ hội trồng dừa cũng liên tiếp được thành lập tại các xã Phù Cát, Hội Sơn, Hòa Hội… nhằm hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và phát triển thương hiệu.

Một trong những bước đi chiến lược là xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Dừa xiêm Phù Cát" đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là nền tảng để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và hướng đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Câu chuyện của anh Lưu Anh Vũ và mô hình "Cây dừa nhà tôi" cho thấy khi nông dân đặt chữ "tín" lên hàng đầu, kết hợp công nghệ với tình yêu nông nghiệp thì cây trái vẫn có thể "lên đời".