Chế độ công vụ của chuyên gia cao cấp như bộ trưởng

(NLĐO) - Người được xếp lương bậc 3, hệ số 10 bảng lương chuyên gia cao cấp và hưởng chế độ, chính sách công vụ tương đương bộ trưởng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2025/NĐ-CP, quy định chế độ, chính sách đối với chuyên gia cao cấp làm việc tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở Trung ương, gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội.

Định nghĩa chuyên gia cao cấp

Chuyên gia cao cấp là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo Quy định số 180-QĐ/TW của Ban Bí thư và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Đối tượng bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu và người làm việc ngoài hệ thống chính trị.

Chính sách lương, phụ cấp đối với chuyên gia cao cấp

Khi được bổ nhiệm làm chuyên gia cao cấp, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thôi giữ vị trí việc làm cũ và được xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp với 6 nhóm trường hợp:

Nhóm 1: Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở xuống hoặc không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ được xếp lương bậc 1, hệ số 8,8; Hưởng chế độ công vụ tương đương trợ lý lãnh đạo cấp cao.

Nhóm 2: Người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0 đến 1,25: Xếp lương bậc 2, hệ số 9,4; Hưởng chế độ công vụ tương đương thứ trưởng.

Chế độ công vụ của chuyên gia cao cấp như bộ trưởng- Ảnh 1.

Chuyên gia cao cấp có thể là cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu và người làm việc ngoài hệ thống chính trị, kể cả người nước ngoài Ảnh: AI

Nhóm 3: Người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên: Xếp lương bậc 3, hệ số 10; Hưởng chế độ công vụ tương đương bộ trưởng.

Nhóm 4: Nếu hệ số lương mới thấp hơn tổng hệ số lương cũ (gồm lương ngạch, bậc, chức danh, phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có), sẽ được bảo lưu hệ số chênh lệch.

Nhóm 5: Cơ quan sử dụng có thể áp dụng thêm chế độ, chính sách phù hợp như thưởng, điều kiện làm việc... tùy theo hiệu quả công tác và nguồn lực thực tế.

Nhóm 6: Sau khi thôi làm chuyên gia cao cấp, việc bổ nhiệm và xếp lương vị trí mới sẽ căn cứ vào bậc lương và thời gian công tác trước đó; đồng thời được hưởng các chế độ phụ cấp tương ứng theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chế độ, chính sách riêng đối với chuyên gia cao cấp là người đã nghỉ hưu hoặc làm việc ngoài hệ thống chính trị.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-6-2025.