Chi cục Hải quan khu vực XVI quản lý địa bàn tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang sau sáp nhập

(NLĐO)- Các Chi cục Hải quan khu vực được tổ chức để phù hợp với việc sáp nhập tỉnh, thành phố.

Để phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 1-7, Cục Hải quan đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, trong đó tổ chức lại một số Chi cục Hải quan khu vực.

Cụ thể, theo Quyết định 2019/QĐ-BTC ngày 11-6-2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chi cục Hải quan khu vực XVI quản lý địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang (sau hợp nhất), có trụ sở tại tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Tuyên Quang (mới) hình thành sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Giang, trong khi tỉnh Cao Bằng giữ nguyên.

img

Hải quan khu vực XVI công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng, đội

Từ ngày 1-7, Chi cục Hải quan khu vực XVI (Cục Hải quan) chính thức vận hành, đảm bảo hoạt động thông quan trên địa bàn diễn ra thông suốt, không phát sinh vướng mắc.

Trên địa bàn Chi cục Hải quan khu vực XVI có các đơn vị hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu như: Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Pò Peo, Lý Vạn (tỉnh Cao Bằng); Hải quan cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Xín Mần, Săm Pun và Hải quan Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang).

Thừa ủy quyền của Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực XVI Nguyễn Trung Hải đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm 3 Phó Chi cục trưởng; 15 công chức giữ chức trưởng phòng, đội trưởng và tương đương; 23 công chức giữ chức phó trưởng phòng, phó đội trưởng và tương đương.

Ngay sau đó, cán bộ, công chức đã nhanh chóng ổn định vị trí công tác, đảm bảo không để gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, góp phần duy trì sự thông suốt và hiệu quả trong công tác quản lý hải quan.

Ông Nguyễn Trung Hải cho biết mặc dù quá trình thay đổi địa bàn quản lý theo mô hình tổ chức bộ máy mới gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng Chi cục đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng để hoạt động ổn định và hiệu quả ngay từ ngày 1-7.

Theo ông Hải, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sự ổn định và liên tục trong hoạt động xuất nhập khẩu, tránh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số và hiện đại hóa mạnh mẽ của ngành hải quan.

Theo thông tin từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), toàn ngành đã chủ động chuẩn bị và chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7. Cụ thể, từ 5 giờ ngày 1-7, Cục Hải quan đã hoàn thành công tác chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin và chính thức vận hành theo mô hình hoạt động.

Ngay sau khi hệ thống chính thức hoạt động theo mô hình mới, lô hàng đầu tiên đã được đăng ký thành công vào lúc 5 giờ tại Chi cục Hải quan Khu vực IV, sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Kết quả trong ngày 1-7, hệ thống thông quan ghi nhận tổng số tờ khai xuất nhập khẩu đạt 50,3 ngàn tờ, trong đó tờ khai xuất khẩu là 25,7 ngàn tờ, tờ khai nhập khẩu là 24,6 ngàn tờ. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 2,28 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,09 tỉ USD. Số thu ngân sách đến 17 giờ ngày 1-7 đạt 762 tỉ VNĐ.

Cũng trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các Chi cục Hải quan khu vực đã đều đã tổ chức hội nghị triển khai quyết về định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị và công bố các quyết định về công tác cán bộ.