Chìa khóa phát triển bền vững ngành cà phê
Đổi mới sáng tạo được xem là chìa khóa quan trọng giúp ngành cà phê thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo được xem là chìa khóa quan trọng giúp ngành cà phê thích ứng và phát triển bền vững.
Mối đe dọa hiện hữu
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 710.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên - chiếm đến 90% sản lượng cả nước.
Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên đang chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Theo đó, nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng đến sự ra hoa và đậu trái của cây cà phê; lượng mưa phân bố không đều, dẫn đến tình trạng hạn hán vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa; sâu bệnh phát triển mạnh do thời tiết thất thường, làm giảm năng suất và chất lượng hạt cà phê; suy thoái đất và cạn kiệt nguồn nước ngầm do canh tác không bền vững kéo dài.
Nếu không có giải pháp thích ứng hiệu quả, ngành cà phê Việt Nam sẽ phải đối mặt nguy cơ suy giảm sản lượng, mất thị phần xuất khẩu. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu nông dân.
Theo TS Kim Wimbush, Tham tán Cơ quan Khoa học quốc gia Úc (CSIRO), cà phê Việt Nam có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu thế giới về loại Robusta khi năng suất và sản lượng đang giảm do thời tiết ngày càng thất thường. "Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam không chỉ cần giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn phải thích ứng linh hoạt với BĐKH và thời tiết" - TS Kim Wimbush nhìn nhận.
Chuyên gia nông nghiệp khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cảnh báo nếu không đổi mới và thích ứng, cây cà phê Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của BĐKH trong vài thập kỷ tới.
Giải pháp tất yếu
Đổi mới sáng tạo không chỉ là việc áp dụng công nghệ mới mà còn là sự thay đổi trong tư duy, cách tiếp cận và mô hình sản xuất. Một số giải pháp đang được áp dụng hoặc đề xuất để giúp ngành cà phê Việt Nam thích ứng với BĐKH: Chọn giống phù hợp với khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong canh tác; thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh và tuần hoàn; thực hiện chuỗi giá trị bền vững và minh bạch.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu và phát triển các giống cà phê chịu hạn, chịu sâu bệnh là ưu tiên hàng đầu. Một số giống lai tạo như TR4, TR9, TRS1… đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phát triển, giúp tăng năng suất và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ngoài ra, việc chuyển đổi một phần diện tích cà phê Robusta sang Arabica tại các vùng cao hơn cũng đang được khuyến khích, vì Arabica có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp điều kiện khí hậu mát mẻ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều công cụ hữu ích cho nông nghiệp, nhất là trong giám sát và quản lý rủi ro khí hậu. Hệ thống dự báo thời tiết chính xác giúp nông dân điều chỉnh lịch tưới, bón phân và thu hoạch; cảm biến đất và nước, kết nối IoT giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí và tăng hiệu quả; ứng dụng quản lý trang trại giúp theo dõi quá trình canh tác, truy xuất nguồn gốc và đánh giá hiệu quả sản xuất.

Cây cà phê ở Tây Nguyên đang ngày càng chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Ảnh: CAO NGUYÊN
Các mô hình như nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu đang được thử nghiệm và nhân rộng. Theo đó, canh tác xen canh cà phê với cây che bóng để giữ ẩm, cải tạo đất và tăng thu nhập; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân bón hóa học để bảo vệ đất và nguồn nước; tái sử dụng phụ phẩm như vỏ cà phê, bã cà phê để làm phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc sản phẩm sinh học.
Đổi mới cũng đến từ việc xây dựng chuỗi giá trị cà phê minh bạch, công bằng và bền vững. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và chứng nhận bền vững giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường quốc tế. Việc truy xuất nguồn gốc bằng blockchain hoặc mã QR giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, quy trình sản xuất. Việc kết nối trực tiếp với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nhà rang xay giúp giảm khâu trung gian và tăng thu nhập cho nông dân.
Nâng cao vai trò các bên liên quan
Để đổi mới sáng tạo thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và HTX.
Nhà nước cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nhất là tài chính, tín dụng xanh và bảo hiểm nông nghiệp; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các mô hình canh tác bền vững; đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực địa phương.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào vùng nguyên liệu bền vững, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; ứng dụng công nghệ trong chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phát thải trong sản xuất; thúc đẩy tiêu dùng xanh, quảng bá sản phẩm cà phê thân thiện với môi trường.
Nông dân và HTX cần chủ động học hỏi, tiếp cận kỹ thuật mới, thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại; tham gia các mô hình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hợp lý đất, nước và đa dạng hóa sinh kế.
BĐKH là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam tái cấu trúc theo hướng hiện đại, bền vững và giá trị cao hơn. Đổi mới sáng tạo - từ giống cây, kỹ thuật canh tác, công nghệ số đến chuỗi giá trị - chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai cho hàng triệu nông dân và doanh nghiệp cà phê.
Tìm kiếm giải pháp sáng tạo
Cụm Đổi mới sáng tạo ngành cà phê (sáng kiến hợp tác giữa CSIRO và Trường ĐH Tây Nguyên trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation do Chính phủ Úc tài trợ) vừa phát động cuộc thi "Giải pháp đổi mới sáng tạo thích ứng với BĐKH cho ngành cà phê" từ ngày 2-7 đến hết 10-9. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, góp phần nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của ngành cà phê Việt Nam trước tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH.
"Cuộc thi khuyến khích sự tham gia rộng rãi từ tất cả tác nhân trong chuỗi giá trị ngành cà phê, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX. Những sáng kiến đến từ phụ nữ, người dân tộc thiểu số, thanh niên và các nhóm yếu thế cũng được đặc biệt khuyến khích, nhằm thúc đẩy sự đa dạng, bao trùm và công bằng. Chúng tôi mong muốn cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn cho ngành cà phê, nơi mà sự phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng" - PGS-TS Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - nhấn mạnh.