Chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích

Hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) mới chỉ là một nửa quãng đường.

Một nửa quãng đường còn lại là kế hoạch thực hiện Quy hoạch mới bảo đảm cho sự thành công. Để có một kế hoạch thực hiện quy hoạch hoàn hảo cần tiếp tục xem xét, cải cách một loạt chính sách.

Nhu cầu điện trong giai đoạn tới rất lớn để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số. Trong khi đó, một dự án điện gió, mặt trời triển khai nhanh trong vòng 1-2 năm, dự án điện khí hay điện hạt nhân… mất từ 5 năm trở lên. 

Điều này buộc chúng ta phải đặt lại câu hỏi rằng Luật Điện lực, cùng một số luật đã sửa đổi về đầu tư và xây dựng; một số nghị định ra đời gần đây liên quan tới năng lượng đã đủ chưa, đủ triển khai nhanh dự án hay không? Những cơ chế đã và sẽ ban hành có đủ bảo đảm để phát triển nguồn và lưới truyền tải cần tới hơn 136 tỉ USD trong 5 năm tới.

Chúng ta bàn về câu chuyện kỹ thuật, công nghệ nhưng tôi tin rằng điều này trên thế giới đều có sẵn, kể cả công nghệ năng lượng hạt nhân. Vậy nên cách để thu hút đầu tư mới là mấu chốt. 

Vấn đề đầu tiên và quan trọng mà nhiều nhà đầu tư quan tâm tới là giải quyết những băn khoăn trong hợp đồng mua bán điện, trong đó quan trọng nhất là hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA), ngoài ra còn có hình thức hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Các cam kết trên cần bảo đảm chia sẻ rủi ro, lợi ích của các bên. 

Hiện, nguồn vốn lớn nên các dự án muốn triển khai phải huy động thêm nguồn vốn bên ngoài từ các định chế tài chính trên thế giới. Nếu như các định chế tài chính không nhìn thấy có sự chia sẻ rủi ro, định hướng phát triển dài hạn sẽ khó rót vốn. Các định chế tài chính thế giới sẽ có những yêu cầu như ngôn ngữ hợp đồng là tiếng Anh, trọng tài xử lý tranh chấp là trọng tài quốc tế, chuyển ngang giá khí sang giá điện… và còn 2-3 điểm cuối cùng nằm cơ chế chính là an toàn và giảm thiểu rủi ro tài chính. 

Mặt khác, chúng ta cũng cần phải thay đổi cách kêu gọi nhà đầu tư. Tại sao nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại phải tự tìm hiểu quy định nào trước, quy định nào sau, tự đi đến từng sở - ban - ngành của địa phương song lại lên Trung ương thì khó đầu tư kịp các dự án năng lượng để bảo đảm cung cấp điện phục vụ tăng trưởng kinh tế hai con số. 

Do vậy, lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cần triển khai theo hình thức đấu thầu cạnh tranh trên cơ sở làm xong khâu khả thi. Nhà đầu tư đấu thầu xong có thể triển khai xây dựng, ký kết hợp đồng PPA gắn cam kết bảo lãnh của nhà nước.

Chúng ta có thể tăng nội địa hóa bằng cách thu hút sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam kết hợp cùng những nhà cung ứng công nghệ hàng đầu thế giới trong các dự án năng lượng, sau đó nhận chuyển giao công nghệ và tạo nhiều hơn công ăn việc làm trong nước… Từ đó kéo giá điện xuống, đây sẽ là nền tảng giúp nền kinh tế cạnh tranh và phát triển trong dài hạn.

Thùy Linh ghi