Cho ở nhờ, nhận về oán hận
Xuất phát từ tình thương và lòng tin tuyệt đối nơi ruột thịt, những căn nhà đã được trao gửi.
Nhưng rồi thời gian cùng biến động giá trị đất đai đã biến người thân thành đối thủ trong các vụ kiện cay đắng
Luật sư Nguyễn Văn Đông, Đoàn Luật sư TP HCM, kể ông từng dặn đi dặn lại với không ít thân chủ rằng lòng tin không thể thay thế bằng giấy tờ. Nhưng rồi, những vụ kiện như thế này lại cứ diễn ra vì biến động cuộc sống và giá nhà đất... có thể làm thay đổi cả con người.
Thắng kiện em gái, chị mất cả gia tài tình nghĩa
Ông Đông từng tham gia một vụ kiện dân sự khiến ông suy nghĩ rất nhiều về 2 chữ "nghĩa tình". Vụ kiện được TAND TP HCM đưa ra xét xử sau gần 5 năm thụ lý. Xuyên suốt những ngày vụ án được đưa ra xét xử, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều vắng mặt. Chỉ có những người đại diện pháp lý tranh tụng thay cho 2 người phụ nữ từng là ruột thịt, từng lớn lên dưới một mái nhà, từng tin tưởng nhau đến mức... giao cả gia tài.
Chuyện là, người chị - nguyên đơn, từng bỏ ra hơn 60 cây vàng để mua một căn nhà ở TP HCM. Nhưng lúc này, bà đã định cư ở nước ngoài. Căn nhà được giao cho vợ chồng người em giữ gìn, thậm chí đứng tên sở hữu trên giấy tờ.
21 năm sau, người chị về nước yêu cầu sang tên lại căn nhà thì vợ chồng người em ra điều kiện "khi họ sang tên xong, người chị phải hỗ trợ 20 lượng vàng". Người chị gật đầu đồng ý. Rồi 2 bên ký cam kết bằng giấy tay. Không lâu sau đó, người chị phát hiện căn nhà mình đã… có chủ mới. Từ "sốc" đến hụt hẫng, người chị kiện vợ chồng em gái.

Ảnh minh họa AI: Ý LINH
Bị kiện, vợ chồng người em kịch liệt phản đối. Người em gái khai rằng căn nhà là tài sản chung, có sự đóng góp tiền của từ 2 người chị khác trong nhà. Phần bà không góp tiền nhưng được 2 chị tin tưởng giao cho việc gìn giữ căn nhà, chăm sóc mẹ già. Khi bất ngờ bị tòa triệu tập, bà đã báo tin cho 2 người chị còn lại thì ai cũng ngỡ ngàng vì họ không ủy quyền cho người chị kia đi kiện. Theo người em gái, năm 2010, vợ chồng bà thế chấp căn nhà để đầu tư kinh doanh, việc này các chị đều biết nhưng không ai có ý kiến gì, cớ sao bây giờ lại trách bà.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng ngoài lời khai, người em không cung cấp được chứng cứ chứng minh có việc hùn tiền mua nhà. Sự thật là vào năm 2014, căn nhà mà họ đứng tên đã bị ngân hàng phát mãi, bán cho chủ mới vì vợ chồng người em không trả được nợ.
Về phía nguyên đơn, do không thể đòi lại nhà, họ chỉ yêu cầu được hoàn trả phần giá trị tương ứng, nên yêu cầu khởi kiện được chấp nhận.
Bi kịch từ lòng tốt
Còn có những phiên tòa mà người dự khán không khỏi chua chát thốt lên: "Giá mà họ không cho ở nhờ…". Bởi đôi khi, bi kịch lại bắt đầu từ sự tử tế, khi người ta mở cửa nhà, mở cả lòng mình cho người thân, em ruột, cháu ruột một chỗ ở tạm qua cơn khốn khó. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, sự tử tế ấy bị lãng quên.
Câu chuyện bắt đầu từ 1 căn nhà cấp 4, bỏ trống vào những năm 90 của thế kỷ trước nhưng giờ đã trở thành gia tài trị giá hơn 10 tỉ đồng. Nguyên đơn - bà Xuân - kể đây là căn nhà ba mẹ bà được nhận thừa kế từ ông bà nội trước năm 1967.
Khi kinh tế gia đình ổn định, ba mẹ bà chuyển sang sống ở một căn nhà khang trang hơn nhưng cũng gần đó. Ngôi nhà cũ để trống. Sau ngày đất nước thống nhất, thấy hoàn cảnh của bà Thương - người em họ bên chồng - khó khăn, con cái nheo nhóc, nên gia đình bà đã cho người này về phụ việc nhà, rồi cho cả gia đình tá túc trong căn nhà để trống. Sau này, bà Thương thay mặt ba mẹ bà Xuân đứng ra kê khai căn nhà. Thế nhưng, chính bản kê khai ấy về sau bị phía bà Thương viện dẫn như một căn cứ pháp lý cho quyền sở hữu, khiến gia đình bà bị kéo vào một vụ rắc rối kéo dài hàng chục năm.
Năm 1983, bà Xuân bảo lãnh ba mẹ sang nước ngoài định cư. Căn nhà được giao lại cho một người họ hàng khác trông coi nhưng bà Thương vẫn được cho ở đấy mà không cần trả tiền thuê. Nhưng chỉ 1 năm sau, người bà con báo tin bà Thương làm đơn xin phép xây dựng thêm một căn nhà nhỏ phía sau. Mẹ bà Xuân không đồng ý nên đã nhờ người bà con gặp bà Thương can thiệp. Vài năm sau đó, khi mẹ bà Xuân muốn lấy lại căn nhà này thì biết được bà Thương đang làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. Mẹ bà Xuân đã nhờ người bà con làm đơn ngăn chặn.
Đến năm 2011, mẹ bà Xuân khởi kiện yêu cầu trả lại căn nhà. Nhưng không lâu sau đó, mẹ bà qua đời khi vụ kiện vẫn đang dang dở. Bà trở thành người theo đuổi vụ kiện suốt gần 15 năm qua. Bị đơn cũng đã qua đời nhưng con cháu, dâu rể của bà Thương vẫn sinh sống tại đây.
Và rồi, phiên tòa cuối cùng cũng khép lại. Căn cứ trên hồ sơ gốc, các lần kê khai đầu tiên, lời khai của nhân chứng và sự mâu thuẫn trong lời khai của phía bị kiện, tòa án đã tuyên căn nhà là tài sản hợp pháp của nguyên đơn, buộc những người đang sinh sống tại đây phải trả lại.
"Tôi thắng nhưng không còn sức để vui. Từ một lần giúp người, tôi bị biến thành kẻ đi giành giật lại thứ vốn là của mình. Có những tổn thương không thể đếm được" - giọng bà Xuân lạc đi.