Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động

(NLĐO)- Nhiều vấn đề về chính sách cho người lao động khi sắp xếp - sáp nhập, nhà ở xã hội... được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối thoại, giải quyết

Sáng 20-5, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, người lao động (NLĐ) Khánh Hòa năm 2025.

Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã tổng hợp 28 ý kiến từ đoàn viên, NLĐ thuộc 24 Công đoàn cơ sở. Các vấn đề được phân nhóm và gửi đến các sở, ngành chức năng để giải đáp trước khi diễn ra hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh.

Chế độ, chính sách sau sáp nhập

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị đoàn viên, NLĐ thoải mái, trình bày tâm tư, nguyên vọng... "Tôi mong đoàn viên, NLĐ trình bày tâm tư nguyện vọng, phát huy ý nghĩa của đối thoại là trao qua đổi lại. Qua đó, với trách nhiệm, chính quyền góp phần giải quyết các vướng mắc, tạo niềm tin, động lực để phát triển kinh tế - xã hội"- ông nói.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 1.

Quang cảnh đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và người lao động

Ông Nguyễn Quốc Đạt – Chủ tịch Công đoàn cơ sở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa - thắc mắc việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã kết thúc thì rất nhiều NLĐ đang hoạt động không chuyên trách sẽ mất việc, vậy tỉnh có chế độ chính sách gì để hỗ trợ?

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, từ ngày 1-8 sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Tỉnh đã giao địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí công tác tại thôn, tổ dân phố. Chế độ chính sách của họ sẽ được hưởng theo quy định, sở sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ hỗ trợ thêm 6 tháng phụ cấp.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng các quy định phải theo khung của Trung ương cho phép. Tỉnh sẽ nghiên cứu mở các lớp tập huấn chuyển đổi nghề nghiệp để NLĐ trong độ tuổi lao động tiếp tục làm việc.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Đạt – Chủ tịch Công đoàn cơ sở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã kết thúc thì rất nhiều NLĐ đang hoạt động không chuyên trách sẽ mất việc

Các đoàn viên cũng thắc mắc về chế độ phụ cấp độc hại cho cán bộ, nhân viên hoạt động cường độ cao trong ngành y tế; chế độ nâng hạng khi NLĐ nỗ lực học tập từ trình độ cao đẵng lên đại học nhưng vướng nhiều vấn đề khi thi tuyển, sáp nhập.

Đoàn viên Công đoàn ngành giáo dục hỏi về chế độ cho nhân viên văn thư vì đang kiêm nghiệm nhiều nhiệm vụ nhưng tiền lương rất thấp, chỉ là viên chức loại B, cần được nâng hạng và trợ cấp công vụ; nhân viên công tác thiết bị chưa được hưởng chế độ độc hại dù các tỉnh khác đã triển khai...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận thu nhập chế độ của nhân viên văn thư trong ngành từ 3,6 -7 triệu đồng/tháng là thấp. Sở ghi nhận ý kiến và có văn bản tham mưu cấp trên đề nghị mở rộng đối tượng, xét phụ cấp công vụ với nhân viên trường học. Về nhân viên thiết bị được hưởng độc hại, sở sẽ có văn bản đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị đoàn viên, NLĐ thoải mái, trình bày tâm tư, nguyên vọng... sao cho buổi đối thoại được gần gũi

Trong khi đó, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết chính sách chế độ về lương, chế độ độc hại cho nhân viên y tế đã có. Tùy theo vị trí thì được hưởng chế độ lương tăng từ 30-70%, chế độc hại 4 mức... Về nâng hạng công chức, viên chức, sở sẽ yêu cầu các đơn vị tổng hợp nhu cầu, tổ chức xét duyệt, nhất là sau thời điểm sáp nhập tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng NLĐ đã nỗ lực học tập, nâng cao trình độ thì phải kịp thời nâng hạng để yên tâm công tác. Ông đề nghị các sở sớm tham mưu để giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ.

Người thu nhập thấp mua nhà như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Bích Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Yến sào Fly, huyện Vạn Ninh, hỏi về quy hoạch về nhà ở xã hội (NOXH) như thế nào, người có thu nhập thấp tiếp cận chính sách để có nhà?

Đoàn viên ở KCN Suối Dầu cũng cho biết đợi chờ NOXH rất lâu vẫn chưa thấy triển khai. Bà Huỳnh Nam Khánh, công tác tại LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã 45 tuổi vẫn đang độc thân nhưng muốn mua NOXH ở dự án NOXH Hưng Phú 2 ở Nha Trang thì như thế nào? Vì thu nhập chỉ hơn 15 triệu đồng, chênh lệnh không nhiều nhưng theo quy định lại không đủ điều kiện?

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 4.

Ông Trần Văn Châu, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay thời gian tới sẽ khởi công, đưa vào hoạt động nhiều dự án NOXH ở Nha Trang, Cam Ranh...

Ông Trần Văn Châu, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay hiện nay, tất cả quy hoạch khu đô thị phải để dành 20% đất để làm NOXH. Nhà nước cũng đã có chính sách ưu đãi về vay vốn dành cho nhà đầu tư và người mua cho vay. Một vấn đề bất cập hiện nay là các dự án NOXH đang tập trung ở các khu đô thị, chưa có ở các KCN. Do đó, tỉnh đang xúc tiến các nhà đầu tư thực hiện các dự án NOXH ở đây để đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Về số lượng NOXH hiện nay, giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành 3.364 căn nhà ở xã hội, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ có 7.800 căn NOXH nữa. Hiện nay đó có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký làm NOXH.

Riêng ở Nha Trang, dự án NOXH Hưng Phú 2 đang hoàn thiện thủ tục, quý lll/2025 sẽ khởi công. NLĐ có thể đăng ký nhu cầu nhà ở tại website của Sở Xây dựng. Thông qua việc đăng ký này, sở sẽ đánh giá được nhu cầu ở đâu để tham mưu sớm triển khai NOXH phù hợp. Như vậy, đến 2027-2028, tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ có khoảng 6.000 sản phẩm về NOXH.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 5.

Ông Phan Thanh Liêm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, phát biểu tại buổi đối thoại

Chính sách ưu đãi để NLĐ thu nhập thấp có thể tiếp cận NOXH đã được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở năm 2023. UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản về việc cho vay ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; trong đó, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm việc cho vay đúng quy định, tổ chức tuyên truyền, phổ biến công khai nội dung chính sách về cho vay mua NƠXH.

Riêng về trưởng hợp độc thân, thu nhập trên 15 triệu đồng nhưng chênh lệch không lớn thì có thể đăng ký đối tượng phụ thuộc (con, cha mẹ già) để giảm bớt thu nhập.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng tỉnh đang xúc tiến đầu tư rất nhiều dự án lớn về KCN, cụm công nghiệp, các dự án dịch vụ, du lịch..., sẽ thu hút lượng lớn NLĐ khắp cả nước về làm việc. Do đó, nhu cầu nhà ở sẽ rất lớn, cần được khuyến khích đầu tư các dự án NOXH để đáp ứng. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đẩy mạnh NOXH.

Báo Người Lao Động trao 30 suất hỗ trợ học tập

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Tuân, lãnh đạo LĐLĐ và đại diện Báo Người Lao Động đã trao 30 suất hỗ trợ học tập cho con đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh – sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo Người Lao Động.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề thiết thực của người lao động- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, trao các suất hỗ trợ học tập từ Chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh – sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của báo Người Lao Động

Em Hồ Sĩ Châu, học sinh lớp 1/1 Trường Tiểu học Ninh Hưng (thị xã Ninh Hoà) rất vui khi nhận được phần quà từ Báo Người Lao Động. Châu vừa thi xong học kỳ 2. Em cho biết nhận được phần quà này sẽ nhờ mẹ mua sách truyện và đăng ký học vẽ khi nghỉ hè.