Chuyên gia nước ngoài nói gì về bất động sản công nghiệp Việt Nam trước áp lực thuế quan Mỹ?

(NLĐO)- Nếu xem dịch chuyển dòng vốn trong khu vực là cơ hội thì bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn không quá lo khi Mỹ áp thế 46%.

Việc Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đặt ra nhiều câu hỏi về tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Nếu các mức thuế này được áp dụng trở lại, kịch bản sẽ diễn biến ra sao?

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lại có cái nhìn tương đối lạc quan. Ông cho rằng tình huống hiện tại khá giống với giai đoạn trước đây khi các mức thuế được ban hành nhưng sau đó nhanh chóng bị hủy bỏ. Dù Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhưng các đối tác khác như Trung Quốc và đặc biệt là khu vực ASEAN cũng đóng vai trò thiết yếu trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong trường hợp Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại thiếu nhất quán, phần thị phần bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể được thay thế bởi các quốc gia trong khu vực.

Mỹ áp thuế 46%: Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn vững vàng? - Ảnh 1.

Một khu công nghiệp tại miền Bắc đã chứng minh khả năng thu hút nhà đầu tư hiệu quả, phản ánh tiềm năng thực sự của phân khúc này.

Hiện nay, khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và một phần Trung Quốc đang chững lại, nhu cầu nội địa không còn tăng trưởng mạnh, các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. 

Nhìn về dài hạn, ông Griffiths tin rằng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư mới xuất hiện nhờ vào những chuyển dịch thương mại toàn cầu này. Do đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam không cần quá lo ngại, ngay cả khi Mỹ áp dụng mức thuế 46%.

Theo ông Griffiths, Việt Nam đã rất chủ động trong việc thu hút FDI thông qua việc xây dựng một môi trường đầu tư cạnh tranh về chi phí, thuế suất và thủ tục hành chính, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với bất ổn chính trị hoặc vấn đề liên quan đến bầu cử, Việt Nam nổi bật với môi trường đầu tư an toàn và ổn định, giúp duy trì dòng vốn FDI bền vững. Dù có thể có một số điều chỉnh nhỏ trong xu hướng đầu tư, phần lớn dòng vốn vẫn phục vụ cho sự phát triển kinh tế nội địa.

Bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp, vốn là một kênh đầu tư dài hạn. Việc đầu tư hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ USD vào nhà máy và cơ sở sản xuất là quyết định mang tính chiến lược lâu dài. 

Điều này càng được củng cố qua chuyến thăm chính thức Việt Nam gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai nước ký kết 45 văn kiện hợp tác quan trọng, tập trung vào hạ tầng, thương mại, chuỗi cung ứng, AI, nông nghiệp, phát triển nhân lực, hàng không và đường sắt – tất cả đều có ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển bất động sản công nghiệp.

Ông Griffiths cũng nhận định rằng nếu nhìn tổng thể, mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. Các cơ chế như WTO đang mất dần vai trò khi xu hướng bảo hộ của Mỹ gia tăng, nhường chỗ cho làn sóng các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. 

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hàng trăm triệu USD đã và đang được đầu tư vào lĩnh vực này, và xu hướng đó sẽ còn tiếp tục, với phần lớn nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế trong nước.