Công đoàn bảo đảm hoạt động thông suốt
Việc thành lập Công đoàn phường, xã, đặc khu và các tổ công tác quản lý địa bàn nhằm bảo đảm hoạt động Công đoàn hiệu quả
Sáng 11-7, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập 139 Công đoàn phường, xã, đặc khu trên địa bàn TP HCM.
Mở rộng sự hiện diện
LĐLĐ TP HCM cho biết việc thành lập Công đoàn phường, xã, đặc khu trực thuộc nhằm thực hiện Quy định số 301-QĐ/TW ngày 9-6-2025 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã; Công văn số 4251/TLĐ-ToC và Công văn số 4282/TLĐ-ToC của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác nhân sự đối với Công đoàn cấp tỉnh, Công đoàn phường, xã, đặc khu.
Đây là bước quan trọng trong công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Công đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Sau khi thành lập, Công đoàn phường, xã, đặc khu thực hiện 11 nhiệm vụ. Trong đó, chịu trách nhiệm trước LĐLĐ TP HCM, cấp ủy Đảng phường, xã, đặc khu về chỉ đạo, tổ chức hoạt động Công đoàn, phong trào công nhân - lao động trên địa bàn; tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn cho đoàn viên - lao động.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật của địa phương có liên quan đến lao động, Công đoàn - nhất là tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền, lợi ích của đoàn viên - lao động; phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động…

Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trao quyết định thành lập Công đoàn cho các chủ tịch Công đoàn phường, xã, đặc khu. Ảnh: THANH NGA
Đại diện 139 chủ tịch Công đoàn phường, xã, đặc khu, ông Vũ Hữu Phú - Chủ tịch Công đoàn phường Bình Thạnh - nhấn mạnh việc thành lập lại tổ chức Công đoàn theo mô hình mới, trực thuộc LĐLĐ TP HCM, đồng thời là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban MTTQ phường, không chỉ yêu cầu về mặt tổ chức mà còn là bước chuyển mình quan trọng nhằm nâng cao năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ), gắn với yêu cầu đổi mới mô hình quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Ông Phú cũng cam kết tích cực tham mưu cấp ủy, đề xuất chính quyền và Ủy ban MTTQ phường về những nội dung, giải pháp chăm lo đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức và NLĐ.
LĐLĐ TP HCM cũng thành lập 9 tổ công tác quản lý địa bàn trực thuộc và phân công các phó chủ tịch LĐLĐ thành phố phụ trách nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các Công đoàn phường, xã, đặc khu hoạt động thông suốt, không gián đoạn, đặc biệt là giai đoạn ngay sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Vượt khó để thích ứng
Tại hội nghị, Thường trực LĐLĐ TP HCM đã dành thời gian lắng nghe, giải đáp các thắc mắc của cán bộ Công đoàn phường, xã, đặc khu. Đặc biệt là vấn đề về nhân sự và các điều kiện hoạt động của Công đoàn.
Ông Cao Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn phường Xóm Chiếu, cho biết dự kiến Công đoàn phường quản lý khoảng 21.000 đoàn viên với 180 Công đoàn cơ sở, song hiện chỉ có 2 biên chế cán bộ Công đoàn, rất khó bảo đảm khối lượng công việc được giao. Ông đề xuất LĐLĐ thành phố có hướng dẫn cụ thể hơn để Công đoàn phường sớm kiện toàn nhân sự và đi vào hoạt động.
Không riêng ông Tuấn Anh, nhiều cán bộ Công đoàn phường, xã, nhất là cán bộ Công đoàn mới, cho rằng trọng trách đặt ra cho Công đoàn cấp phường, xã rất lớn trong khi nhân sự ít, nhiều vấn đề mới còn cần thời gian hoàn thiện.
Trao đổi với các cán bộ Công đoàn, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết nhiều địa bàn tập trung đông doanh nghiệp dẫn đến tình trạng có đơn vị chỉ có khoảng 1.500 - 2.000 đoàn viên nhưng cũng có những đơn vị quản lý đến 50.000 - 60.000 đoàn viên. Vì vậy, LĐLĐ thành phố đang nghiên cứu để phân cấp Công đoàn cơ sở cho phù hợp, bảo đảm hoạt động.
"Công đoàn phường, xã, đặc khu là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng. Trước mắt, kinh phí hoạt động của Công đoàn phường, xã, đặc khu do LĐLĐ thành phố bảo đảm. Khi có hướng dẫn cụ thể của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sẽ thực hiện đúng quy định" - ông Quang nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết sau sáp nhập, LĐLĐ thành phố quản lý khoảng 2,2 triệu đoàn viên và 21.000 Công đoàn cơ sở. Với số lượng đoàn viên, Công đoàn cơ sở phải quản lý lớn, trong giai đoạn mới thành lập, các Công đoàn phường, xã, đặc khu sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, 9 tổ công tác cùng các Công đoàn cấp xã cần nhanh chóng thực hiện công tác rà soát, thống kê, báo cáo tình hình từng địa bàn cho Thường trực LĐLĐ thành phố để có giải pháp định hướng hoạt động, tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Các tổ công tác cần nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; triển khai các nội dung chương trình công tác, phân công nhiệm vụ trọng tâm đến cấp xã. Các Công đoàn phường, xã cần tham mưu cho chính quyền về việc bố trí nhân sự, hoàn thiện bộ máy.
Theo ông Bùi Thanh Nhân, sắp tới, LĐLĐ TP HCM sẽ tập trung xây dựng các quy chế, chương trình hoạt động, đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ Công đoàn về chức năng, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động… "Trong thay đổi chung của toàn xã hội, hoạt động của tổ chức Công đoàn phải hết sức linh hoạt, thích ứng với điều kiện, bối cảnh, tình hình mới" - ông Nhân nhấn mạnh.
Ông Bùi Thanh Nhân cho biết thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ tập trung xây dựng ứng dụng kỹ thuật số, trợ lý ảo, ứng dụng công nghệ thông tin... để phục vụ công tác quản lý, hoạt động Công đoàn, phù hợp với tình hình mới. Những tháng cuối năm là thời điểm quan hệ lao động có nhiều chuyển biến, nhất là các vấn đề liên quan việc làm, lương, thưởng của đoàn viên - lao động.
Do vậy, các Công đoàn phường, xã, đặc khu cần theo dõi sát tình hình để kịp thời có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và ổn đinh quan hệ lao động trên địa bàn.