Ai được ký quyết định kỷ luật?
Đại diện Ngân hàng Đông Á hỏi: "Khi xử lý kỷ luật lao động, với công ty có số người lao động lớn, nhiều chi nhánh, người đại diện pháp luật không thể đi xử lý kỷ luật từng trường hợp cụ thể nên thường ủy quyền để ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và ủy quyền để xử lý kỷ luật lao động. Trong trường người đại diện pháp luật ủy quyền cho người A. ký HĐLĐ nhưng sau đó lại ủy quyền cho người B. xử lý kỷ luật lao động thì có được không?".
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM trả lời: Theo quy định, người giao kết HĐLĐ là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động với người lao động. Người được ủy quyền giao kết HĐLĐ chỉ được xử lý kỷ luật ở mức khiển trách. Ở đây cần phân biệt 2 việc là tổ chức, chủ trì xử lý kỷ luật và ra quyết định kỷ luật lao động. Nếu chỉ là chủ trì xử lý thì người đại diện theo pháp luật được ủy quyền cho bất cứ ai để chủ trì. Nhưng sau khi đã tổ chức xử lý kỷ luật xong, đến lúc ra quyết định thì phải đúng theo quy định của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó, người được ủy quyền ký HĐLĐ chỉ được ký quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức khiển trách, còn các hình thức kỷ luật khác phải do người đại diện theo pháp luật ký quyết định kỷ luật.
