Ba Son - cái nôi của những người thợ
Với truyền thống người đi trước rước người đi sau, Ba Son đã và đang đào tạo được những lớp CNLĐ vững vàng về chính trị và tay nghề
Dẫn tôi tham quan một vòng nhà truyền thống của Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, anh Nguyễn Công Bình, cán bộ Phòng Chính trị, giới thiệu: “Những vũ khí này đều do những người thợ Ba Son chế tạo, góp phần khắc phục một phần khó khăn của lực lượng vũ trang Nam Bộ về trang bị vũ khí ngày ấy...”. Những hình ảnh, những dụng cụ lao động sản xuất, vũ khí chiến đấu cách nay 80 năm như vẫn còn dậy lên khí thế lao động, đấu tranh của một thời.
Truyền thống cần cù, tinh nhạy
Ngày ấy, chính nơi đây đã từng đào tạo những người thợ giỏi nghề, vững vàng về chính trị. Thế hệ thợ đi trước kèm cặp, chỉ bảo những kinh nghiệm làm việc quý báu cho những thế hệ thợ sau đã giúp đội ngũ công nhân kỹ thuật Ba Son phát triển nhanh về số lượng và trình độ tay nghề. Ông Lê Văn Em, Chủ tịch Công đoàn xí nghiệp, tự hào nói: “Với kinh nghiệm nghề nghiệp, truyền thống cần cù, tinh nhạy trong học tập công nghệ kỹ thuật mới, những người thợ Ba Son đã dần thay thế phần lớn thợ lành nghề người Pháp và người Hoa trong ngành đóng mới và sửa chữa tàu biển. Những thứ vũ khí từ giáo mác, dao găm, kiếm, cho đến cả súng kíp, lựu đạn... và các loại vũ khí chống càn, như lựu đạn cần, lựu đạn phóng, địa lôi... được CNLĐ Ba Son học tập, sáng tạo để chế tạo thành công, trang bị cho lực lượng đấu tranh ngày ấy”. Và những tên tuổi đã làm nên Ba Son hào hùng, như Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người thợ cả, vị lãnh tụ của phong trào CNLĐ và Công đoàn; như Tô Ký, Ngô Văn Năm, Trần Thăng, Võ Thành Công...
167 CN ngành hàn được cấp chứng chỉ quốc tế
Tiêu biểu của mối quan hệ thợ đào tạo thợ ấy là CNLĐ ở xưởng vỏ tàu. Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch CĐ xưởng vỏ tàu, cho biết hằng năm, ở xưởng luôn tổ chức những lớp học cập nhật công nghệ mới tại đơn vị và với sự giúp đỡ của xí nghiệp, nhiều người đã được đi đào tạo nâng cao tại nước ngoài. Kết quả có 167 công nhân ngành hàn được cấp chứng chỉ quốc tế của Anh, Mỹ, Đan Mạch và Nhật Bản. Với động lực đó, 5 năm qua, CNLĐ xưởng đã có 22 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận cấp Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng và Bộ Quốc phòng, đoạt nhiều giải thưởng uy tín: giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật, giải thưởng Tôn Đức Thắng, bằng và huy hiệu Lao động Sáng tạo của Tổng LĐLĐ VN... Tổng giá trị các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNLĐ xưởng đã làm lợi trong 5 năm qua là 1,73 tỉ đồng, tiết kiệm được 712 triệu đồng. Ông Trần Quốc Sỹ, Phó Giám đốc xưởng vỏ tàu - cũng là một trong những cây sáng kiến của đơn vị, khoe: Xưởng còn được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba trong dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống này.