Biện pháp nào để hạn chế tăng ca quá quy định ?

Trong trạng thái mệt mỏi, môi trường lao động bị ô nhiễm, người lao động rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp . Tăng cường năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra về làm thêm giờ

Bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Thời điểm cuối năm, việc vi phạm quy định về làm thêm giờ diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh và tập trung ở các DN sản xuất, kinh doanh có tính thời vụ, thời điểm, thuộc các ngành dệt, may, da, giày, xây dựng, chế biến nông, lâm, thủy hải sản xuất khẩu”.

Không có thời gian phục hồi sức khỏe

Theo số liệu từ 13 tỉnh, có tới 25,97% số các DN ngoài quốc doanh qua thanh tra, kiểm tra có vi phạm về làm thêm giờ, riêng DN cổ phần và có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên 80%. Mặc dù có tới 95% lao động có thỏa thuận làm thêm giờ nhưng chỉ có 9% có thỏa thuận bằng văn bản.

Việc phải làm chế độ ca điều hòa, lúc dãn ca, tăng giờ, khi chờ việc, hầu như người lao động (NLĐ) có rất ít thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Thời gian kéo dài thêm và với các yếu tố bất lợi của môi trường lao động, đặc biệt là ngành thủy sản, đã làm tăng sự mệt mỏi, căng thẳng, đồng thời do thay đổi nhịp sinh học dẫn đến thiếu ngủ, không có điều kiện chăm sóc bản thân và gia đình, nhất là lao động nữ. Trong trạng thái mệt mỏi, môi trường lao động bị ô nhiễm, NLĐ rất dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Mệt mỏi khiến tai nạn lao động dễ xảy ra hơn nhưng đa số là tai nạn nhỏ nên DN không báo cáo. 81% số công nhân xây dựng được hỏi đã từng bị tai nạn lao động nhẹ.

Hệ quả dẫn đến đình công

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ VN, tranh chấp lao động xảy ra ở tất cả các loại hình DN và tập trung nhiều ở các tỉnh, TP lớn, các KCN. Các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công đều xuất phát từ các yêu cầu bức xúc, chính đáng của NLĐ không được giải quyết. Các vụ này đều có mục đích kinh tế và thuộc phạm vi quan hệ lao động. Chẳng hạn, mới đây, toàn bộ 300 công nhân phân xưởng vẽ của Nhà máy Nhựa Vinh Hạnh ở thị xã Hà Đông (Hà Tây) đã tự phát đình công. Công nhân phản ánh họ thường xuyên phải làm việc quá sức do định mức lao động quá cao (12-13 giờ/ngày). Trong khi đó, chủ DN trả lương không đủ phục hồi sức lao động (bình quân 300.000 đồng-400.000 đồng/người/tháng). Một trường hợp khác, công nhân Công ty Hiltop Luggages (KCN Sóng Thần, Bình Dương) đồng loạt đình công, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm.

Cần tách lương làm thêm giờ, trả lương lũy tiến

Theo các chuyên gia lao động, để bảo vệ NLĐ, khắc phục và hạn chế làm thêm giờ, thì cần tăng cường hoạt động của các tổ chức Công đoàn cơ sở, đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở ở các DN ngoài quốc doanh; tăng cường năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra về làm thêm giờ, tiến hành mô hình thanh tra vùng... Bà Đoàn Minh Hòa cho biết đa số DN và NLĐ đồng tình với quy định hiện nay, nhưng để thuận lợi và bảo đảm sức khỏe, quyền lợi NLĐ, về lâu dài vẫn phải bổ sung thêm nhiều biện pháp mới, như tách lương làm thêm giờ, trả lương lũy tiến... Nếu không thì “hội chứng” làm thêm giờ, tăng ca quá quy định, nhất là vào thời điểm cuối năm sẽ... đến hẹn lại lên.

---------------------------

Vi phạm về làm thêm giờ trong năm 2004

- Các công ty cổ phần: 70,5%.

- Các công ty tư nhân: 67,3%.

- Các công ty 100% vốn nước ngoài: 50%.

- Bình quân NLĐ làm thêm hơn 3 giờ/ngày.

- 50% NLĐ từng làm thêm 4 giờ/ngày, đặc biệt không ít trường hợp làm thêm 8 giờ/ngày.

- 70% NLĐ từng làm thêm trên 15 giờ/tuần, trong đó 15% làm thêm cả 7 ngày liên tục, thậm chí 2 - 3 tuần làm thêm liên tục không có ngày nghỉ.

- 21% NLĐ bị DN bỏ qua không tính số giờ nghỉ ngơi vào giờ làm thêm theo quy định.

(Nguồn: Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB-XH)