Biết trách ai?

Hồi trước, khi mới quen nhau, mỗi lần mấy chị bạn ở chung phòng chê anh ăn nói như “dùi đục chấm mắm cáy”, em lại gạt đi: quan trọng là tính tình chứ ăn nói không quan trọng.

 

img

“Nói ngọt” có ăn được để sống không mà ham? Em không bênh vực anh mà em nói thật lòng. Con trai miền quê chân chất, thật thà, nghĩ sao nói vậy, mai này thành vợ chồng đỡ phải bị nghe chì chiết, bóng gió gần xa...

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng thực tế lại không như mình muốn. Ngày mới yêu, nghe anh nói cái gì cũng thấy hay, thấy ngộ, thấy dễ thương; còn bây giờ, cũng những lời lẽ ấy mà sao nghe nó... mặn chát. Chồng chị Hà nhà bên cạnh nói chuyện với vợ một câu cũng “em ơi”, hai câu cũng “em à”. Anh Ngọc ở đầu hẻm đi làm tăng ca tối mịt mới về, mệt đừ mà lúc nào cũng tươi cười, gặp ai cũng chào hỏi, nói chuyện với vợ thì ngọt khỏi chê. Rồi chồng cô Lan ở đối diện nhà mình, mẹ vợ ở quê lên chơi, ai không biết cứ tưởng là mẹ ruột vì anh con rể nói chuyện với mẹ vợ hết sức thân thương, ngọt ngào, chăm sóc cũng hết sức tận tình...

Còn anh thì..., nói thật, nhiều khi em nghĩ mình bị trời hại. Hồi xưa không chịu nghe lời bạn bè, lẽ ra phải góp ý lời ăn tiếng nói của anh ngay từ hồi mới quen. Ít ra thì nói một câu cũng phải có đầu có đũa chứ sao lại nói trống không như vậy? “Em ơi lấy giùm anh cái khăn tắm” sẽ dễ nghe biết bao mà sao anh không nói lại cứ “Lấy giùm cái khăn tắm coi”. Con bệnh, khóc đòi, em đang bận, lẽ ra anh phải dỗ con, đằng này anh lại hét lên: “Ở đâu sao không lên dỗ con?”... Mẹ ở quê lên chơi, anh cũng cái kiểu nói trống không ấy mà mẹ giận dỗi bỏ về. Ai đời con rể mời mẹ vợ ăn cơm mà lại nói: “Có cơm rồi nghen, ai đói thì ăn”...

Nói ra thì còn rất nhiều chuyện buồn lòng. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, ông bà đã dạy như vậy mà em lại cãi. Giờ lấy phải ông chồng nói năng lỗ mãng, biết trách ai đây?