Có thi đua mới có khen thưởng

Ngày 15-9, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức góp ý 9 dự án luật sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP, chủ trì hội nghị. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đã được tổ chức thảo luận trong nhân dân, các cấp ngành ở TP, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến vào các dự luật.

Cải tiến thủ tục xét thưởng

Đó là ý kiến tại nhiều cuộc thảo luận dự thảo Luật Thi đua -Khen thưởng. Theo đó, giữa thi đua và khen thưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; bản thân tên gọi của luật cũng bao hàm ý nghĩa này; vì vậy nên quy định trong luật có cả thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, cũng tại các cuộc góp ý trước đây, nhiều băn khoăn cho rằng nếu đưa thi đua vào trong luật thì tổ chức, cá nhân không tham gia phong trào thi đua phải bị chế tài và chế tài bằng cách nào? Bà Nguyễn Thị Nghĩa hóa giải băn khoăn này. Theo bà: Không có phong trào thi đua gắn kết, rộng rãi không thể có danh hiệu để khen thưởng. Không nên hiểu thi đua là phong trào của các đoàn thể quần chúng. Thực tế đã có nhiều phong trào thi đua mang tính xã hội, quần chúng rộng lớn, khuyến khích, động viên đông đảo nhân dân thực hiện các chủ trương, các cuộc vận động  của Đảng, Nhà nước và từ đó đã “sản sinh” ra nhiều danh hiệu cao quý, có ý nghĩa giáo dục cao. Riêng đối với băn khoăn về chế tài, ông Trương Hòa Bình giải tỏa: Không thực hiện phong trào thi đua thì không có thành tích, là tự gạt mình ra khỏi  cộng đồng, không cần gì phải dùng biện pháp chế tài. Về thủ tục xét khen thưởng, ông Đặng Ngọc Tùng đưa ra một đề nghị được các ĐBQH tán thành là: Xét khen thưởng phải trên cơ sở thực chất, không nhất thiết phải đăng ký thi đua. Có ai đăng ký phấn đấu thành anh hùng mới được xét anh hùng đâu; hà cớ sao lại phải đăng ký chiến sĩ thi đua từ đầu năm, cuối năm mới được xét danh hiệu. Như vậy, trong trường hợp cấp trên phát hiện có thành tích là có thể khen thưởng.

Thu gọn đầu mối cơ quan điều tra

Từ tập hợp các cuộc thảo luận cho thấy có khá nhiều nội dung trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự gây ra tranh luận và cự ly giữa các ý kiến có khoảng cách khá lớn. Về cơ quan điều tra và thẩm quyền điều tra: Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo về mô hình tổ chức cơ quan điều tra, gồm: Cơ quan điều tra trong công an, cơ quan điều tra trong quân đội và cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, nên thu gọn thành 2 đầu mối: Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an và cơ quan điều tra quân đội. Không nên thành lập cơ quan điều tra của VKSND Tối cao vì: Nếu VKSND Tối cao vừa thực hành quyền công tố, vừa tiến hành điều tra mà không có cơ quan nào độc lập kiểm soát sẽ khó phát hiện những vi phạm pháp luật của cơ quan này. Công tác điều tra ngày càng phải được chuyên môn hóa về mặt tổ chức và nhân sự, do đó nên giao hẳn cho một cơ quan chuyên trách để tránh tình trạng dàn trải, giẫm chân lên nhau. Về quyền và trách nhiệm của người bào chữa cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, như: Khoản 2 điều 58 quy định người bào chữa có quyền có mặt trong các “hoạt động điều tra” khác là quá chung chung. Hoạt động điều tra khác bao gồm việc lấy lời khai của người làm chứng, nếu cho phép người bào chữa tham gia là không phù hợp. Khoản 2 điều 80 quy định khi bắt người tại nơi khác (ngoài nơi cư trú, nơi làm việc) “phải có sự chứng kiến của người đại diện chính quyền xã, phường thị trấn nơi tiến hành bắt người”, là rất khó thực hiện ở nơi biên giới, rừng núi xa xôi, hiểm trở...

Nên thay đổi hình thức thi hành án tử hình

Với phương án của khoản 3 điều 80: “Không bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang...” dù đã được bổ sung  trừ “trường hợp bị can, bị cáo đang trốn, đang tiêu hủy chứng cứ”; vẫn có các ý kiến khác nhau. Ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, mạnh dạn biểu thị: Đây là điều... rất vô lý. Kinh nghiệm nghiệp vụ cho thấy bắt vào ban đêm là chắc ăn nhất, có được yếu tố bất ngờ nhất. Không có lý gì công an theo vết tội phạm vất vả, công phu, nay lại phải thức đêm, ngồi “canh” cho nó ngủ để chờ nó dậy mới thực hiện lệnh bắt. Cũng theo ông Minh, có một vấn đề khác, dù không đưa vào dự luật này, nhưng cần được mạnh dạn bàn trong Quốc hội; đó là: Nên thay đổi hình thức thi hành án tử hình. Có thể dùng các biện pháp khác (như ghế điện, tiêm thuốc), không nên xử bắn như hiện nay; nhất là lại bắn trước mặt trẻ con (trẻ con thường trốn vào xem các cuộc xử bắn). Ông Minh lập luận khá thuyết phục: Tác dụng giáo dục, răn đe cao nhất chính là một bản án tử hình đã được xử công khai.