Công nhân cần chính sách an sinh ổn định

Thông qua các buổi đối thoại trực tiếp, người lao động đã giải tỏa được những vướng mắc, từ đó ổn định tư tưởng, an tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương

Trong 2 ngày 12 và 13-5, gần 800 đoàn viên - lao động tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bình Dương đã có dịp đối thoại với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, đoàn viên - lao động đã kiến nghị nhiều vấn đề như: tình trạng rút BHXH một lần, cách tính lương hưu, biện pháp chế tài doanh nghiệp (DN) nợ BHXH...

Khuyến cáo không "bán lúa non"

Theo chị Hà Thị Chung, công nhân (CN) Công ty TNHH Hài Mỹ (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), thời gian qua, nhất là trong 2 năm dịch COVID-19, rất nhiều CN bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. "Mất việc khiến CN phải lựa chọn rút BHXH một lần dù đó là điều không ai mong muốn" - chị phản ánh.

Ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho rằng số người rút BHXH một lần tăng qua các năm là do các chính sách hiện nay còn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ), như hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng xong thì được làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Việc rút BHXH một lần có thể giúp NLĐ có một khoản tiền lo cho trước mắt nhưng chính họ sẽ khó khăn hơn trong tương lai - khi già, mất sức lao động.

Ngoài tuyên truyền, thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Dương còn khuyến cáo NLĐ việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật; cũng như không ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng BHXH một lần nếu không có lý do chính đáng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo và đưa ra hàng loạt đề xuất trong lần sửa đổi Luật BHXH sắp tới nhằm hạn chế rút BHXH một lần. Theo đó, tăng quyền lợi đối với NLĐ có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, hạ số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 còn 15 năm để hưởng chế độ hưu trí, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho NLĐ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài khi hết tuổi lao động.

Công nhân cần chính sách an sinh ổn định - Ảnh 2.

Công nhân Cù Thị Kim Tuyến, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), trình bày ý kiến tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội và HĐND sáng 13-5. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Bất bình đẳng lương hưu

Ông Lê Văn Tùng, cán bộ Công đoàn ngành xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện nay, với NLĐ làm việc ở các cơ quan nhà nước, lương hưu sẽ được tính trên bình quân các năm cuối là 5 - 10 - 20 năm. Chỉ những trường hợp bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025, sau này khi hết tuổi lao động, lương hưu mới được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng.

Trong khi đó, với NLĐ tại các DN, từ trước đến nay, lương hưu đều tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia mà không có lộ trình điều chỉnh. "Khi đến thời điểm nghỉ hưu, lương của NLĐ tại các DN rất thấp. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh cách tính lương hưu của NLĐ làm việc tại các DN theo lộ trình tương tự người làm việc trong cơ quan nhà nước, để không tạo sự chênh lệch quá lớn giữa các nhóm hưởng" - ông Tùng nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Ngọc Sửu, CN Công ty TNHH Kimsora (KCN Hương Hòa, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế), phản ánh tình trạng nợ BHXH, BHYT tại DN diễn ra rất phổ biến, làm ảnh hưởng quyền thụ hưởng của NLĐ. Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng này, anh kiến nghị cần có biện pháp chế tài mạnh tay để răn đe DN.

"Tôi ủng hộ đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên và hoãn xuất cảnh đối với trường hợp trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên" - anh Sửu nêu.

Trả lời câu hỏi của CN Nguyễn Văn Tuấn, Công ty TNHH Hải Việt (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), về biện pháp ngăn chặn tình trạng nợ BHXH, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương cho biết đã áp dụng một số biện pháp hỗ trợ việc đôn đốc thu hồi nợ trên địa bàn, như: tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức chấp hành của chủ DN; phát hành thông báo đôn đốc nợ đối với các đơn vị chậm đóng và khóa thẻ BHYT đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng. Bên cạnh đó, hằng tháng, cơ quan BHXH sẽ gửi danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên cho các cơ quan, ban, ngành, đề nghị hỗ trợ phối hợp theo dõi, đôn đốc.

Ông Bùi Văn Tri, đại diện Công ty TNHH Lâm nghiệp Nam Hòa (tỉnh Thừa Thiên - Hếu), cho biết theo quy định, lao động nữ đóng BHXH 15 năm thì tỉ lệ hưởng lương hưu được tính 45%, lao động nam phải đóng 20 năm mới được tính 45%. Như vậy, có sự không công bằng giữa cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ. Do đó, ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng và cải thiện mức lương hưu của NLĐ.

Bảo đảm đời sống người lao động

Theo ông Nguyễn Duy Hiểu, nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để DN có thể đứng vững trong lúc khó khăn này, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới nhằm tạo việc làm cho NLĐ. "Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách tiền lương để bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình họ. Khi có việc làm và thu nhập ổn định, chắc chắn NLĐ sẽ không rút BHXH một lần" - ông Hiểu nhìn nhận.