Đề xuất lùi thời hạn thu BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài

(NLĐO)- Theo Bộ LĐ-TB-XH, số lao động nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4%, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam mang tính ổn định.

Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ- TB- XH), số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 đến năm 2016, số lao động nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người, trong đó nữ chiếm 16,6%. Số lao động nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia ở châu Á (chiếm 73% tổng số LĐ nước ngoài, trong đó một số quốc gia có đông lao động như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), châu Âu (chiếm 21,6%).

Liên quan đến đối tượng này, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018, "Người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ".

Đề xuất lùi thời hạn thu BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài - Ảnh 1.

Tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên mới đây, nhiều Hiệp hội DN nước ngoài cho rằng quy định về việc NLĐ nước ngoài bắt buộc phải đóng BHXH bắt buộc làm tăng chi phí của DN, nhà tuyển dụng, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư… Băn khoăn lớn nhất, theo Hiệp hội các DN, là quyền lợi NLĐ nước ngoài khi tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, người nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi gì khi bị bệnh, bị tai nạn lao động hay bị tai nạn tử vong, đồng thời sau khi nộp BHXH thì khi trở về nước họ có được lĩnh đúng theo quy định hay không? Chưa hết, các Hiệp hội DN cũng cho rằng quy định này khiến NLĐ nước ngoài phải đóng BHXH 2 lần, một ở nước họ và một ở Việt Nam, và đề nghị áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc căn cứ theo đề nghị đối với những NLĐ đã tham gia BHXH tại nước của họ.

Theo đề xuất của các hiệp hội, việc áp dụng chế độ BHXH với NLĐ nước ngoài chỉ nên thực hiện sau khi ký kết Hiệp định BHXH giữa hai nước. Ngay cả trong trường hợp cần thời gian chuẩn bị cho đến khi ký kết Hiệp định rồi mới thực thi thì JCCI cũng mong muốn có thời gian chuẩn bị đầy đủ (ít nhất là trên 4 năm).