Doanh nghiệp thiếu thiện chí, một số công nhân manh động

Nâng lương cho công nhân nhưng cắt giảm phụ cấp; trừ tiền trái luật và lập lờ trong cách chi trả trợ cấp là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp

Sáng 13-3, vụ ngừng việc tập thể của hơn 4.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp-TPHCM) đã bước sang ngày thứ hai. Ngoài những kiến nghị cũ (điều chỉnh tiền tăng ca, cải thiện chất lượng bữa ăn, bãi bỏ quy định trừ tiền trái luật), lần này tập thể CN yêu cầu bố trí nghỉ phép năm hợp lý, phụ cấp độc hại, duy trì phụ cấp thâm niên; nghỉ tăng ca 30 phút, công khai cách tính trợ cấp thôi việc, tăng lương 1 năm/lần, điều chỉnh lại sản lượng...

Trong các kiến nghị của tập thể CN, đáng lưu ý nhất là vấn đề tiền lương. Một nữ CN làm việc hơn 9 năm tại công ty kể: “Trước đây, ngoài lương cơ bản, CN còn được hưởng các khoản phụ cấp, như: phụ cấp thâm niên, hiệu quả công việc, lao động tiên tiến, nhưng sau khi nâng lương cho CN mới đây, công ty đã cắt bớt các khoản này. Rõ ràng doanh nghiệp đã nâng lương theo kiểu “lấy túi này bỏ túi khác”. Chưa hết, 2 khoản phụ cấp mới mà công ty “đẻ” ra thêm là “hiệu quả sản xuất” và “cương vị công nghệ” được tính theo kiểu đổ đồng, cào bằng. Định mức sản phẩm ở một số chuyền quá cao trong khi số lượng CN quá ít khiến chúng tôi làm đến chóng mặt mà vẫn không kịp”. Bức xúc khác của tập thể CN chính là chất lượng bữa ăn giữa ca; CN nghỉ không phép bị trừ 1 ngày thu nhập hết sức vô lý.

Theo chúng tôi, bức xúc lớn nhất dẫn đến tranh chấp chính là do công ty đột ngột thay đổi cách tính tiền tăng ca. Theo phản ánh của CN, trước đây, từ giờ tăng ca thứ 3 ngày thường trở đi, công ty trả phụ trội gấp đôi; song mới đây, khi nâng lương cho CN, công ty cho biết chỉ trả gấp 1,5. Không được thông báo trước điều này, cộng với việc bị trừ các khoản phụ cấp khiến CN càng thêm bức xúc. Làm việc với lãnh đạo công ty, ông Trương Đăng Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đề nghị phải rà soát lại tiền lương, đặc biệt là vấn đề xét nâng bậc cho CN; xem xét lại cách tính tiền phụ trội tăng ca, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, không để bức xúc CN kéo dài.

Thời điểm bắt đầu xảy ra tranh chấp (12-3), dù LĐLĐ và các cơ quan chức năng quận Gò Vấp đã ra sức vận động, thuyết phục, song một số CN đã có hành vi quá đáng, như: ngăn cản không cho CN các bộ phận khác vào nhà ăn, xô xát với lực lượng bảo vệ. Sáng 13-3, một số CN đã vào xưởng lôi kéo đồng nghiệp ngừng việc, sau đó tràn ra đường Phạm Văn Chiêu, gây tắc nghẽn giao thông hơn 2 giờ. Các ban, ngành chức năng đã ra sức vận động CN mới đồng ý vào trụ sở công ty để đối thoại với lãnh đạo. Sáng cùng ngày, đại diện LĐLĐ TP, Sở LĐ-TB-XH TP đã đến giải thích các quy định pháp luật cho tập thể CN hiểu và hành xử phù hợp.

Tại cuộc đối thoại vào 15 giờ cùng ngày, do lãnh đạo công ty trả lời không thỏa đáng các bức xúc, CN đã bỏ về gần hết. Theo các cơ quan chức năng, kiểu giải quyết ỡm ờ này của lãnh đạo công ty sẽ khiến tình hình tranh chấp thêm căng thẳng. “Có những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp không mới, điều này chứng tỏ lãnh đạo công ty chưa rút ra được bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý, nhất là từ những lần tranh chấp trước đây”, một thành viên đoàn liên ngành quận Gò Vấp nhận xét.

CN Công ty Inah Vina ngừng việc tập thể

Sáng 13-3, 200 CN Công ty Inah Vina (100% vốn Hàn Quốc, tại KCX Tân Thuận-TPHCM) đã ngừng việc tập thể, kiến nghị công ty không buộc đi làm sớm, không trừ tiền chuyên cần khi nghỉ việc, bố trí nghỉ phép 1 ngày/tháng. Làm việc với Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM và các cơ quan chức năng, lãnh đạo công ty cam kết bãi bỏ quy định buộc CN làm sớm, phụ cấp chuyên cần 100.000 đồng/tháng (áp dụng từ tháng 3-2008). Riêng các trường hợp bị trừ tiền chuyên cần, công ty sẽ trả lời cho CN. Phía công ty sẽ trao đổi lại với Ban Chấp hành CĐ về bố trí ngày nghỉ phép cho CN.