Giải thưởng Tôn Đức Thắng niềm tự hào của CN TPHCM

. TPHCM là nơi duy nhất trong cả nước có một giải thưởng cấp TP dành riêng cho công nhân. Giải thưởng là cơ sở xét tặng các danh hiệu thi đua Nhà nước cao hơn . Tối 20-8, lễ trao giải diễn ra tại Hội trường Thống Nhất

"Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay có một ý nghĩa đặc biệt: Đây là lần trao giải thứ IV kể từ khi giải thưởng được LĐLĐ TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng sáng lập năm 1999, nhưng lại là lần đầu tiên kể từ khi giải thưởng chính thức trở thành giải thưởng cấp TP” - ông Dương Trọng Dật, quyền Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết như vậy tại buổi họp báo sáng 18-8. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối 20-8, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM đúng vào dịp kỷ niệm 116 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Những người thợ đầu đàn

Theo Ban Tổ chức, sau 4 tháng triển khai, đã có 34 hồ sơ dự tuyển. Qua 2 vòng xét duyệt, hội đồng xét tuyển cấp TP đã chọn được 12 kỹ sư, công nhân (CN) ưu tú để trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ IV. Hai người trẻ nhất cùng sinh năm 1970 là Phạm Anh Dũng (Công ty Ô tô Sài Gòn) và Nguyễn Thanh Phong (Nhà máy Thép Tân Thuận); người cao tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Phong, 57 tuổi (Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng). Lần đầu tiên kể từ 4 năm qua, có đến 5 người ở độ tuổi dưới 40 tuổi.

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận nhìn nhận: “Đây là những CN ưu tú đã phấn đấu không ngừng, phấn đấu toàn diện để trở thành những người thợ đầu đàn; hỗ trợ, động viên tập thể CN cùng trưởng thành và là lực lượng nòng cốt trong sự phát triển của đơn vị. Bên cạnh những thành tích về lao động giỏi, sáng tạo, họ còn là những người thầy trong đào tạo nghề cho thợ trẻ. Học trò của họ, rất nhiều người là thợ giỏi, bàn tay vàng, cán bộ quản lý”. Đó là anh Nguyễn Khánh Trân (Ban Quản lý KCN Vĩnh Lộc thuộc Công ty Cholimex), không chỉ thành công với nhiệm vụ “bất khả thi” khi đem cây dương (loài cây vốn chỉ thích nghi trên vùng đất cát) trồng trên đất sét, mà còn là thầy của 34 CN; hay như các anh Đỗ Anh Minh (Nhà máy Đay Indira Gandhi), Trương Văn Tấn (Công ty Samco), Phạm Anh Dũng (Công ty Ô tô Sài Gòn)..., không chỉ miệt mài lao động sáng tạo, mà còn tận tâm dìu dắt hàng trăm thợ trẻ mới vào nghề thành thợ giỏi. Đặc biệt, đó còn là gương mặt nữ duy nhất được trao giải: Chị Huỳnh Thị Ánh, đầu bếp của khách sạn Quê Hương 2 - người đã đào tạo hơn 60 đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn cả nước.

Sáng tạo trở thành nhu cầu tự thân

Một chi tiết thú vị của giải thưởng năm nay là có đến 3 người mang tên Phong: Nguyễn Văn Phong (Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng - Bộ LĐ-TB-XH), Nguyễn Thanh Phong (Nhà máy Thép Tân Thuận) và Lê Ngọc Phong (Điện lực Phú Thọ). Dù làm việc trên 3 lĩnh vực khác nhau, nhưng ở họ có chung lòng nhiệt thành, sự tìm tòi, khám phá; ý chí vươn lên vượt qua khó khăn, thử thách. Nguyễn Văn Phong là người góp phần tạo nên sự bền chắc, nét thẩm mỹ cho những đôi chân, đôi tay giả cho người khuyết tật; Nguyễn Thanh Phong với 21 sáng kiến làm tăng sản lượng luyện cán thép lên 12% và Lê Ngọc Phong, hơn 20 năm trong nghề, đã có 38 sáng kiến, làm lợi cho đơn vị hàng tỉ đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn cho CN khi khắc phục sự cố điện.

Một “đồng nghiệp” của Phong là kỹ sư Nguyễn Nguyên Nhung (Trưởng Truyền tải điện miền Đông 2- Công ty Truyền tải điện 4): Từ CN trực tiếp, anh đã phấn đấu học tập để trở thành kỹ sư và có hàng chục sáng kiến cải tiến, vừa tiết kiệm và làm lợi cho công ty nhiều tỉ đồng, vừa bảo đảm lượng điện cung cấp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Anh không cho những gì mình làm được là to tát mà lại nói: “Đó là trách nhiệm của mỗi người thợ, mỗi công dân đang sống và làm việc trên quê hương thân yêu của mình”.

Với Nguyễn Đăng Khoa (Nhà máy Thép Thủ Đức) cũng vậy: “Nếu lao động tách rời sáng tạo thì con người sẽ tụt hậu”. Anh chính là người đã có hàng chục sáng kiến, góp phần làm lợi cho nhà máy trên 10 tỉ đồng mỗi năm. Anh nói: “Tôi đã từng trực tiếp đứng máy nên hiểu rõ những vất vả mà người thợ cán thép phải gánh chịu cũng như những khó khăn của đơn vị do công nghệ lạc hậu. Chính vì vậy, tôi luôn mang ý nghĩ phải làm điều gì đó để anh em bớt cực, chất lượng sản phẩm được nâng lên”.

Ước vọng về những người anh hùng

Năm nay, có hai CN trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được trao giải thưởng là Trần Kim Thiên (Công ty Biti’s) và Phạm Văn Việt (Công ty Tribeco). Cả hai đều là những “cây sáng kiến” trong phong trào thi đua của đơn vị. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi những sáng kiến ấy góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. Anh Thiên nói: “Tôi rất hạnh phúc khi biết mình được nhận giải thưởng. Đó chính là sự ghi nhận của chính quyền và tổ chức công đoàn đối với CN trong khu vực kinh tế tư nhân. Tôi sẽ xứng đáng với phần thưởng cao quý mang tên Bác Tôn kính yêu”.

TPHCM là nơi duy nhất trong cả nước có một giải thưởng cấp TP dành cho CN. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CN; nhất là trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, nói: “Có một thực tế là thời gian qua, hầu hết những người được nhận các danh hiệu thi đua cao quý đều là cán bộ lãnh đạo mà không có hoặc có rất ít CN. Với Giải thưởng Tôn Đức Thắng, chúng ta có quyền kỳ vọng trong số những gương điển hình được trao giải hôm nay, có người sẽ trở thành anh hùng lao động trong tương lai vì giải thưởng là cơ sở xét tặng các danh hiệu thi đua Nhà nước cao hơn”.