Giám đốc công ty có quyền yêu cầu tổ chức đại hội Công đoàn?

Nguyễn Văn Trung (TP Thủ Đức, TP HCM) hỏi: "Sau khi chủ tịch Công đoàn công ty tôi xin thôi việc khi nhiệm kỳ chưa kết thúc, Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn đã bầu bổ sung BCH và chủ tịch mới. Tuy nhiên, giám đốc công ty không đồng ý với kết quả bầu chủ tịch và yêu cầu tổ chức đại hội Công đoàn để bầu lại. Giám đốc công ty tôi làm vậy có đúng quy định không?".

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chủ tịch Công đoàn cơ sở do BCH Công đoàn cơ sở bầu ra hoặc do đại hội Công đoàn cơ sở trực tiếp bầu. Mặt khác, theo Hướng dẫn 03/2020/HD-TLĐ, nhiệm kỳ của Công đoàn cơ sở theo nhiệm kỳ của Công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội Công đoàn cấp dưới trong các trường hợp: Công đoàn cấp trên kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ đại hội để phù hợp tiến độ đại hội Công đoàn các cấp theo kế hoạch đại hội Công đoàn Việt Nam; Công đoàn cấp trên mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, sắp đến kỳ đại hội lần thứ nhất mà Công đoàn cấp dưới đã đủ nhiệm kỳ đại hội 5 năm; Công đoàn cấp dưới mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội lần thứ nhất chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm; Công đoàn cấp dưới tổ chức đại hội sau thời gian hoạt động của BCH lâm thời theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

Như vậy, chủ tịch Công đoàn cơ sở hoạt động theo nhiệm kỳ đại hội Công đoàn cơ sở. Việc thay đổi chủ tịch Công đoàn sẽ được thực hiện dựa trên quy định Điều lệ Công đoàn và việc điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội Công đoàn do Công đoàn cấp trên quyết định trong một số trường hợp nhất định. Do đó, giám đốc công ty không có thẩm quyền tổ chức đại hội Công đoàn để bầu chủ tịch Công đoàn mới.