Giấy bạc Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ
TRUYỀN THỐNG.- Đúng ba tuần sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn còn sử dụng đồng tiền Đông Dương của Pháp. Để gây khó khăn cho ta, địch công bố đổi tiền cũ bằng tiền mới trong thời hạn bảy ngày. Đây là âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm làm cho ta thiếu tiền phục vụ nhu cầu tài chính của cuộc kháng chiến và sự trao đổi của nhân dân trong vùng ta kiểm soát.
Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ
Để đối phó với âm mưu này, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ (KCHCNB) đã đề ra giải pháp gồm 4 điểm: gấp rút tổ chức đi đổi tiền; công bố tiền Đông Dương chưa đổi được vẫn có giá trị trong vùng ta kiểm soát; đề nghị Chính phủ cung cấp một số tiền Cụ Hồ và xin phép in tiền Cụ Hồ ở Nam Bộ. Ngày 1-11-1947, Bác Hồ đã ký sắc lệnh SL/102 chuẩn y cho Nam Bộ in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ. Từ sắc lệnh này, Ủy ban KCHCNB đã thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ với nhiệm vụ in tiền phục vụ yêu cầu kháng chiến và nhu cầu trao đổi của nhân dân.
Ông Ngô Tấn Nhơn, nguyên Trưởng Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, kể lại: Lúc đầu, ban chỉ in đồng tiền có mệnh giá thấp 1, 2, 5, 10 đồng để phục vụ nhu cầu trao đổi của người dân. Giấy in được tận dụng từ giấy tập học trò, giấy báo; phương tiền thô sơ (typo). Từ năm 1950, do nhu cầu chi tiêu cho chiến trường tăng nên ta phải phát hành thêm tiền. Nhà in đặc biệt được chia làm hai phân ban và được trang bị thêm 2 máy in offset hiệu Hawada của Nhật, mua từ Thái Lan về. Trước đó, chúng ta đã mua được một máy in hiệu Schuarts Press tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Để vận chuyển những máy in này về chiến khu, công nhân đã tháo rời từng bộ phận rồi dùng thuyền chở về. Giấy in được chế tạo bằng phương pháp thủ công từ cây đay, cây gai. Những đồng tiền in ra mang hình Bác Hồ và những hình ảnh chiến đấu, sản xuất của nhân dân Nam Bộ. Tờ 10 đồng màu xanh, 100 đồng màu nâu mang hình Bác gương mặt ốm nhưng ánh mắt sáng ngời; tờ 100 đồng màu đỏ gạch mang hình đội du kích nữ sát cánh bên nhau với tư thế hiên ngang; tờ 200 đồng màu xanh lá cây tươi mát có hình một dòng kênh với những con thuyền vận chuyển hàng đang rẽ nước xuôi dòng...
Các họa sĩ sát cánh cùng công nhân
Chuẩn bị cho việc in tiền, lúc đầu chúng ta chọn lựa một số công nhân lành nghề trong TP đưa ra chiến khu. Vùng Đồng Tháp Mười rộng hơn 600.000 ha hồi đó còn là một vùng đầm lầy hoang vu, ngập nước, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền tựa bánh canh”, nước bị nhiễm phèn nặng. Dân cư thưa thớt, chủ yếu sống ở rìa khu vực Đồng Tháp Mười. Công nhân in tiền nhưng không có lương, mỗi người một năm chỉ được cấp một bộ quần áo bà ba bằng vải đen và một tấm nóp bàng để ngủ. Hàng tháng, mỗi người được trả “lương” một giạ lúa, nhưng tháng có, tháng không. Vì thế, công nhân phải đi gặt lúa thuê cho dân và trực tiếp làm ruộng để ăn, may mà thức ăn có thể tự túc được. Các họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Lê Ba, chưa từng trải qua gian khổ, nay đã “đồng cam, cộng khổ” sát cánh cùng công nhân, để vẽ mẫu cho tờ giấy bạc Cụ Hồ. Nhằm đối phó với sự ruồng bố của kẻ địch, chúng ta tổ chức “xưởng” in tiền và “xưởng” làm giấy trên những chiếc ghe lớn cho dễ cơ động, Điều đáng quý là dù gian khổ, thiếu thốn, nhưng công nhân vẫn vui vẻ và hăng say làm việc, tiền in ra không bị mất một đồng nào. Ông Ngô Tấn Nhơn khẳng định: “Phẩm chất trong sạch và tinh thần giác ngộ cách mạng đã giúp cho công nhân không vì thiếu thốn vật chất mà tham ô của công”.
Tấm lòng người dân Nam Bộ
Theo ông Trần Ngọc Hải, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ, đồng tiền do Ủy ban KCHCNB phát hành được nhân dân rất yêu quý, đặc biệt là những tờ có in hình Bác Hồ. Người dân thường nói với nhau: Còn một sợi râu Cụ Hồ là còn xài được. Có những tờ bạc dù bị rách nát nhưng vẫn được dán lại để tiêu xài. Nhiều khi do thiếu tiền lẻ, người dân đã xé đôi tờ bạc ra để trao đổi và nửa đồng tiền có hình Bác bao giờ cũng có giá trị hơn, phần còn lại. Do tiền của ta phát hành được nhân dân yêu quý nên rất có giá trị so với đồng bạc Đông Dương. Những năm 1949 – 1950, có khi 1 đồng Việt Nam đổi được 1,2 đồng Đông Dương. Năm 1954, thực hiện chủ trương thu hồi tiền Việt Nam, chúng ta đã chuẩn bị số tiền Đông Dương để đổi khoảng 3 tỉ đồng tiền Việt Nam đang lưu hành, nhưng nhiều người vẫn muốn giữ lại những đồng tiền do Ủy ban KCHCNB phát hành. Ông Hải nhớ lại, có người đem bọc tiền to bằng cả giạ lúa chôn, cất, không chịu đem đổi.