Gỡ vướng trong xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Hội thảo tham vấn đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các điều 213, 214,215, 216 Bộ Luật Hình sự về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm do TAND Tối cao và BHXH Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP HCM sáng 25-4.

Dự thảo nghị quyết này gồm 8 điều, quy định về phạm vi áp dụng; một số tình tiết định tội, định khung hình phạt; xác định thiệt hại; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự; xác định tư cách của người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự và hiệu lực thi hành.

Gỡ vướng trong xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi, TP HCM) ngừng việc do doanh nghiệp nợ BHXH

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng ngoài việc cần làm rõ thêm một số quy định về tình tiết định tội, định khung hình phạt và thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự, dự thảo cần mở rộng tư cách tố tụng theo hướng cho phép cơ quan BHXH được đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đóng BHYT và thanh tra, xử phạt toàn diện về thu chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp - thay vì chỉ được thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay. Các bộ, ngành liên quan nên nghiên cứu xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình, hồ sơ, tài liệu cần thiết để chuyển giao vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan công an để các địa phương thống nhất thực hiện...