GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Luật phải đi vào cuộc sống

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động (NLĐ).

Theo đó, Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG: Luật phải đi vào cuộc sống - Ảnh 1.

Công nhân trực tiếp sản xuất không muốn nâng tuổi nghỉ hưu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu vì họ thiếu lao động, trong khi sức khỏe và môi trường làm việc của NLĐ tốt hơn. Ở Việt Nam, đại bộ phận NLĐ làm việc trong các ngành thâm dụng lao động (may mặc, da giày, điện tử), vậy với tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ 60, liệu họ có đảm đương được công việc đến độ tuổi đó không? Thực tế, đa số không chờ được để đủ tuổi về hưu mà xin nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ trợ cấp một lần vì không đủ sức khỏe tiếp tục làm việc. Trong khi có nhiều doanh nghiệp khi NLĐ mới bước sang độ tuổi 40-45 thì tìm cách sa thải. Vì vậy theo tôi, tùy đặc thù ngành nghề mà quy định tuổi nghỉ hưu, chứ không thể đánh đồng giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Độ tuổi nghỉ hưu cũng không nên áp đặt một độ tuổi "cứng" đối với nam và nữ. Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa lao động ở nước ta đang ở mức cao, đặc biệt là lao động trẻ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ làm chậm đi cơ hội xin việc làm của lực lượng này.

Tôi kiến nghị việc xem xét nâng tuổi nghỉ hưu cần được lấy ý kiến rộng rãi trong CNVC-LĐ, để tránh tình trạng như điều 60 của Luật BHXH năm 2014.