Học thuyết V.I. Lênin về chủ nghĩa đế quốc vẫn còn nguyên giá trị
Ngày 22-4-2003, nhân loại tiến bộ trên thế giới kỷ niệm ngày sinh lần thứ 133 của V.I. Lênin trong bối cảnh vừa xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn bạo, phi pháp chưa từng thấy của nhà cầm quyền Mỹ - Anh xâm lược Iraq sau đại chiến thế giới lần II (kết thúc vào cuối năm 1945).
Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản
Trải qua một thế kỷ, luận điểm của Lênin về “chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” vẫn giữ nguyên giá trị, không chỉ ở tính lịch sử qua các cuộc đại chiến thế giới lần I và II, những cuộc chiến tranh cục bộ, mà tính thời sự nóng hổi, khi Mỹ - Anh đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) và ý kiến của Hội đồng Bảo an LHQ, mở cuộc chiến tranh xâm lược Iraq (một thành viên của LHQ, quốc gia có chủ quyền) mà như nhiều nhà chính trị trên thế giới phân tích, đây là một cuộc nhà nước đảo chính quân sự, một cuộc “khủng bố nhà nước”. Đó đích thực là một cuộc khủng bố với vũ khí đạn dược tối tân nhất kể cả vũ khí mà công ước Geneva cấm, chống lại một quốc gia, một dân tộc, bất kể trẻ em, đàn bà, dân thường... Bản chất chủ nghĩa đế quốc xâm lược một lần nữa lộ rõ, và nâng lên tầm khủng bố nhà nước, coi thường luật pháp quốc tế.
Nếu quan sát kỹ, khẩu hiệu phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ, người ta hiểu được thái độ của đông đảo dân Mỹ về thực chất của cuộc chiến tranh nào. Đó là khẩu hiệu “Ngưng chiến tranh”! “Đừng đổ máu đổi lấy dầu lửa”. Đó là hình ảnh mộc mạc mà V. I. Lênin nói về bản chất đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản: tiến hành chiến tranh để chia lại thị trường, tài nguyên, tăng thêm lợi nhuận, làm bá chủ (độc quyền nguồn năng lượng dầu mỏ ở Iraq và Trung Đông), thúc đẩy chạy đua vũ trang vì siêu lợi nhuận của ngành công nghiệp vũ khí. Chính bản chất đó làm nảy sinh “chiến tranh lạnh”. Chiến tranh lạnh là thuật ngữ mà cả phe đế quốc với bản chất (nêu trên) chạy đua vũ trang và buộc phe xã hội chủ nghĩa tăng cường quốc phòng để chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc khi cuộc chiến tranh “nóng” do đế quốc tiến hành. Thời kỳ chiến tranh lạnh bắt đầu từ đại chiến thế giới thứ II, sau 1945 cho đến khi Liên Xô và Đông Âu tan rã vào những năm đầu thập niên 90. Nó tồn tại gần nửa thế kỷ với thế cân bằng lực lượng các khối, đa cực mà lực lượng phe xã hội chủ nghĩa có tiếng nói có hiệu quả chừng mực nào đó ngăn chặn được ý đồ xâm lược, tiến hành chiến tranh đế quốc chủ nghĩa ở phạm vi quy mô lớn. “Chiến tranh lạnh” thoát thai từ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Cuộc chiến tranh Mỹ - Anh xâm lược Iraq chưa kết thúc, song các công ty dầu mỏ Mỹ - Anh đã có kế hoạch chia chác tài sản dầu mỏ của Iraq - Trung Đông.
“Con người hãy cảnh giác”
Với cuộc xâm lược của Mỹ - Anh từ 20-3-2003 đến đầu tháng 4-2003 này, chính Mỹ - Anh đưa thế giới trở lại thời “chiến tranh lạnh”, chạy đua vũ trang. Cuộc khủng bố nhà nước mà Mỹ - Anh tiến hành chống lại Iraq, một quốc gia có chủ quyền này biện minh cho những cuộc khủng bố khác ở mức độ nào đó. Nghiêm trọng hơn, ở thời điểm quyết định, nó vô hiệu hóa thành quả đạt được của nhân dân thế giới sau đại chiến thứ II. Đó là cơ quan LHQ (dù nó cần được cải tổ để bảo vệ hòa bình và lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên, vì ít nhiều nó chịu sự chi phối của Mỹ). Toàn thế giới, các quốc gia yêu chuộng hòa bình công lý và nhân dân tiến bộ cần đấu tranh để LHQ đóng vai trò tích cực phản ánh lợi ích của các quốc gia thành viên, chống lại “đơn cực” độc quyền, vi phạm Hiến chương LHQ.
Kỷ niệm lần thứ 133 ngày sinh của V.I. Lênin năm nay, một lần nữa chúng ta khẳng định: học thuyết của V.I. Lênin về chủ nghĩa đế quốc, sang thế kỷ 21 này vẫn còn nguyên giá trị. Nó kêu gọi “con người hãy cảnh giác”! Đoàn kết tất cả các lực lượng chống chiến tranh, xác lập lại thế cân bằng của thế giới đa cực mà các nước còn đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội, các nước SNG, các dân tộc chống xâm lăng với mọi hình thức bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền quốc gia của mình theo tinh thần Hiến chương LHQ. Chính LHQ cũng cần nhận thức rằng: đối tượng để thanh sát vũ khí không thể loại trừ Mỹ - Anh, kẻ đã sử dụng vũ khí giết người hàng loạt. Đó là sự công bằng trong quan hệ quốc tế được hầu hết các quốc gia thành viên LHQ đồng tình.
Nhân dân yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên thế giới vừa qua bất bình LHQ đã không ngăn chặn được cuộc chiến xâm lược Iraq. Song trầm tĩnh lại, thái độ đúng đắn là đấu tranh xây dựng lại để LHQ hoàn thành được sứ mạng của mình, dù cần cải tổ, trong điều kiện tạo dựng thế cân bằng mới “đa cực”, đoàn kết tất cả các lực lượng tiến bộ bảo vệ hòa bình, độc lập chủ quyền quốc gia và làm thất bại những thế lực âm mưu bá quyền xâm lược, khủng bố nhà nước.