Hơn 90% người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

(NLĐO)- Đó là kết quả khảo sát mới nhất do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện với hơn 5.000 phiếu gửi người lao động (NLĐ) tại ba miền Bắc, Trung, Nam về độ tuổi nghỉ hưu mà NLĐ mong muốn.

Theo đó, hơn 90% NLĐ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và cho rằng họ đã thực hiện trách nhiệm đầy đủ với quỹ và đảm bảo cân đối quỹ là trách nhiệm của cơ quan BHXH. Đại bộ phận NLĐ được khảo sát khẳng định họ mong muốn Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm.

Hơn 90% người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu - Ảnh 1.

Đại bộ phận NLĐ được khảo sát khẳng định họ mong muốn Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm.

Về việc nâng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng để đảm bảo ổn định Quỹ BHXH, thông qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, nhiều NLĐ cho rằng đây là bài toán mà cơ quan BHXH Việt Nam phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, không thể bắt NLĐ phải làm thêm để "nuôi" quỹ này.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 241.000 người, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016. Dù số lượng tham gia có tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng ¼ lực lượng lao động và để đạt được mục tiêu đến năm năm 2020 có khoảng 50% số lao động tham BHXH là cả một thách thức thực sự. Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, khó khăn trong việc mở rộng đối tượng BHXH là nhiều lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm để hưởng chính sách một lần, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên cắt giảm lao động… Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm.