Khu phố không còn hộ nghèo

Từ nhiều cách làm hiệu quả, đầu năm 2003, khu phố 1, phường 12, quận Bình Thạnh - TPHCM đã được công nhận hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn II

Tối thứ bảy hằng tuần, Đền thờ Võ Tiên Sư - nơi sinh hoạt của CLB Ông bà cháu khu phố 1 phường 12, Q. Bình Thạnh - TPHCM rộn ràng tiếng hát của các em thiếu nhi. Bà Đoàn Thị Xương, thành viên CLB không giấu được tự hào: “Những sinh hoạt như thế này ở khu phố đã thành nếp”. Đây cũng là đơn vị 5 năm liền giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa và vừa được Sở VHTT TPHCM tặng bằng khen, tuyên dương tại hội nghị tổng kết 10 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân

ÔNG TRầN PHÚ LộC, PHÓ BAN CHủ NHIệM (BCN) THƯờNG TRựC KHU PHố VĂN hóa, cho biết những ngày đầu mới phát động cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu phố, các thành viên trong BCN thường xuyên bị những đối tượng xấu thường hoạt động tại ngã 3 Cây Thị hăm dọa. Ngã ba Cây Thị là một điểm nóng về trật tự trị an của quận, tập trung từ mua bán, hút chích ma túy đến trộm cắp, mại dâm... Một bộ phận thanh niên của khu phố cũng bị lôi kéo vào con đường tha hóa. Trước tình trạng đó, các đảng viên, cán bộ hưu trí trong khu phố xắn tay vào cuộc với quyết tâm khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân. Các buổi tuyên truyền của BCN về chương trình mục tiêu 3 giảm, xây dựng gia đình văn hóa, thùng thư góp ý được đặt khắp các con hẻm để người dân hiến kế, tố giác tội phạm... Từ những cách làm quyết liệt trên, hàng loạt các vụ trộm cắp, mại dâm, hút chích ma túy tại địa phương đã được triệt phá.

Đối với các trường hợp trở về từ trường trại, khu phố cử ngay người đến thăm hỏi, tìm cách hỗ trợ. Anh Nguyễn Văn Đại, hiện là công nhân tại một công ty tư nhân chuyên làm thang dây thoát hiểm, bộc bạch: “Khi vướng vào ma túy, tôi tưởng rằng đời mình đã chấm hết. Nhưng các cô chú trong BCN đến nhà vận động tôi đi cai nghiện, xây nhà tình thương, tạo công ăn việc làm cho người nhà và cả cho tôi khi đi cai nghiện về. Nghĩa tình này tôi không bao giờ quên”.

Công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), giải quyết việc làm được BCN rất quan tâm thực hiện thông qua giới thiệu con em các gia đình thuộc diện XĐGN vào học nghề trong Trung tâm Dạy nghề Bình Thạnh, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường; bảo lãnh cho các cơ sở được vay bồi vốn, mở rộng sản xuất để nhận thêm lao động. Để chống tái nghèo, BCN đã xây dựng được hình thức tín dụng tương trợ với 22 nhóm (hằng tháng mỗi thành viên đóng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng) tạo quỹ cho 95 hộ nghèo vay tổng cộng trên 180 triệu đồng làm ăn... Đến nay, 42 hộ nghèo còn trong chương trình đều đã thoát nghèo. Đầu năm 2003, sau khi kiểm tra, Ban Chỉ đạo XĐGN quận Bình Thạnh công nhận khu phố 1 đã hoàn thành chương trình XĐGN giai đoạn II.

Thành công từ khơi dậy tình cảm cộng đồng

Ông Trần Phú Lộc cũng không giấu niềm vui khi nói đến việc chăm sóc con em trên địa bàn khu phố. Bên cạnh các phong trào “Tiếng kẻng văn hóa”, “Con ngoan trò giỏi”, “Hoa nhân ái” để học sinh không bỏ học nửa chừng, hằng tháng BCN đã tặng phần thưởng, phương tiện đi học, học bổng (từ 360.000 đồng đến 500.000 đồng/suất) cho các em. Qua 9 năm tổ chức phong trào “Con ngoan trò giỏi”, khu phố đã động viên, khen thưởng cho hơn 2.800 em học sinh giỏi và trợ cấp học bổng cho 165 em diện nghèo vượt khó... Từ các phong trào khuyến học trên, đến nay, khu phố đã có trên 60 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp TP, quốc gia. Nhiều em được Nhà nước cho đi du học như Thái Vĩnh Tuấn (thi đậu 3 trường đại học), Nguyễn Nhơn Kính, Phạm Phi Oanh (học sinh giỏi hóa toàn quốc)...

Trong một lần đến thăm khu phố, bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã nhìn nhận: Linh hoạt trong việc vận dụng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, khu phố 1 đã biết cách khơi dậy tình cảm và tiềm năng của cộng đồng. Đó chính là nét đẹp và hiệu quả của một cuộc vận động lớn ở một khu phố văn hóa”.