Mỗi lần tăng lương là một lần gây khó...
Nhiều năm qua, cứ mỗi lần đến hạn nâng LTT thì cả DN và NLĐ đều bồn chồn lo lắng. NLĐ thì sợ mức tăng thấp, không đủ bù trượt giá bởi trong thực tế, lương tăng một, giá đã tăng gấp đôi, gấp ba. Đến nỗi nhiều người cho rằng thay vì nói tăng lương thì hãy gọi cho đúng bản chất vấn đề: đó là bù trượt giá. Mà đã bù thì phải bù đúng, bù đủ; nếu không, mỗi lần tăng lương là một lần gây khó khăn thêm cho NLĐ. Thậm chí, nhiều NLĐ khi được hỏi đã đề nghị nhà nước nên tập trung giữ ổn định giá, không cần tăng lương.
Về phía DN thì lại sợ tăng LTT sẽ làm tăng các chi phí nghĩa vụ như BHXH, BHYT, BHTN... Thế nhưng, như Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 Phạm Xuân Hồng nhìn nhận: Nếu DN làm ăn hiệu quả, tay nghề CN cao, thiết bị hiện đại, tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý thì chẳng hơi đâu mà lo chuyện tăng mức LTT vốn chỉ mang tính tượng trưng chứ không bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ, càng không bảo đảm cho họ có tích lũy để mua nhà, sắm xe, học hành, vui chơi, giải trí...

Và cái mức LTT thấp lè tè kia đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy: DN chỉ căn cứ vào mức lương ấy mà thực hiện nghĩa vụ với NLĐ. Từ đó có tình trạng tại TP HCM (mà có thể là nhiều nơi khác trong cả nước), có CN làm việc 10-15 năm mà mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN chỉ 3 triệu đồng. Với mức lương ấy, khi hữu sự, các chế độ liên quan như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất và hưu trí sau này đều không đủ để bù đắp cho NLĐ, bảo đảm cho họ có thể sống được khi gặp bất trắc, rủi ro, tạm thời phải rời khỏi thị trường lao động.
Hãy trả LTT về đúng mục tiêu, ý nghĩa của nó. Điều này đã được đề cập trong nhiều kết luận, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và năm 2017 là mốc thời gian được “gia hạn” cho việc “LTT bảo đảm mức sống tối thiểu”. Mong rằng đến thời điểm đó, NLĐ sẽ không còn thắc thỏm âu lo về việc cứ đến hẹn lên lương thì đời sống lại đi xuống...