Nên thay đổi công thức tính lương hưu

Để đánh giá được đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động có hợp lý hay không, tôi xin làm phép tính: với quy định hiện hành, một lao động nam muốn đạt được tỉ lệ lương hưu tối đa 75% phải có số năm đóng BHXH là 35 năm.

Đem quy định này so sánh giữa 2 đối tượng, một bên là công nhân (CN) và bên kia là công chức, viên chức sẽ thấy sự bất bình đẳng. Bởi lẽ, công chức, viên chức chỉ làm việc 40 giờ/tuần, còn CN phải làm việc 48 giờ/tuần và thêm 300 giờ tăng ca/năm. Theo tính toán, cũng trong khoảng thời gian 35 năm nhưng CN có thời gian làm việc nhiều hơn công chức, viên chức là 8 năm 6 tháng, vậy đáng lẽ phải giảm tuổi hưu cho CN chứ sao lại bắt họ làm việc đến 62 tuổi mới được nghỉ?

Nên thay đổi công thức tính lương hưu - Ảnh 1.

Đa số công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: CAO HƯỜNG

Theo Luật BHXH hiện hành, mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu cho người lao động (NLĐ) có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia BHXH nên lương hưu của NLĐ khá thấp. Do đó, theo tôi, nếu muốn tăng tuổi hưu, nhà nước phải thay đổi công thức tính lương hưu theo hướng không khống chế thời gian đóng BHXH hưởng mức tối đa (75%) là 30 năm đóng BHXH (đối với nữ), 35 năm (đối với nam) mà hãy để NLĐ kéo dài thời gian đóng nhưng khi tính lương hưu sẽ lấy tổng số tiền BHXH cả quá trình đóng chia cho 30 hoặc 35 năm. Vì sau mốc 30 hoặc 35 năm, mức đóng BHXH của NLĐ sẽ cao hơn, từ đó mức lương hưu của NLĐ cũng sẽ cao hơn. Điều này vừa đáp ứng được tiêu chí bảo toàn quỹ BHXH vừa ổn định đời sống NLĐ khi về già.