Nhà thầu

“Giá cả dạo này tăng dữ quá, đề nghị giám đốc xem xét tăng tiền ăn cho công nhân. Cứ giữ nguyên 5.000 mỗi suất như bây giờ, tụi tôi khó bảo đảm chất lượng bữa ăn...”. Ông Khương vừa dứt lời, giám đốc công ty đã trừng mắt: “Nếu anh không nấu được, tôi chọn nhà thầu khác. Thiếu gì người muốn thầu bữa ăn cho công nhân mà tôi ưu tiên dành cho anh vì anh là người nhà của cô Thư”.

Người đàn ông im lặng. Làm ăn thì phải có lời chứ đâu phải làm từ thiện mà không tính toán? Ông cũng muốn cho công nhân có bữa ăn đàng hoàng nên đã chịu thiệt một phần lợi nhuận của mình, nhưng sức người có hạn, ông không thể cứ vừa làm vừa cho không như vậy. Trong khi người chịu trách nhiệm chính đối với sức khỏe và sự an toàn của công nhân là giám đốc công ty thì lại phớt lờ. Cuối cùng ông nói dứt khoát: “Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Tôi sẽ thanh lý hợp đồng với công ty cuối tháng này”.


Bẵng đi mấy tháng, trong khi ông Khương đã tìm được nhiều hợp đồng mới, công việc làm ăn khá thuận lợi thì bất ngờ nhận được điện thoại của vị giám đốc nọ. Ông ta tha thiết mời: “Tôi muốn gặp anh để bàn một số việc. Tôi sẽ đến chỗ anh”. Không nề hà chuyện cũ, ông Khương vội vàng đến công ty. Vị giám đốc đích thân rót nước cho ông rồi nói ngay: “Không giấu gì anh, tay nhà thầu mới tệ quá. Ông ta cho công nhân ăn toàn đồ hư thối, kém chất lượng nên liên tục xảy ra khiếu nại, phản ứng, công nhân ngất xỉu. Có lần, công nhân bỏ cả cơm, đập phá nhà ăn. Mà thú thật, tôi cũng có lỗi vì đã ham lợi nhuận mà quên chăm sóc đúng mức cho công nhân của mình...”.


Ông ta nói rất nhiều và cuối cùng cho biết sẽ tăng định suất ăn lên 8.000. Mức này khả dĩ chấp nhận được trong thời giá hiện nay nên ông Khương nhận lời. Ngày ông quay trở lại, vừa trông thấy ông từ xe chở cơm bước xuống, nhiều công nhân đã reo lên và chạy đến mừng ông như thể một người thân lâu ngày mới gặp.