Nụ cười hòa bình, nụ cười chiến thắng

Tôi chỉ mới nhìn thấy bức ảnh này một lần, nhưng không bao giờ có thể quên. Đó là ảnh ba vị lãnh đạo phái đoàn Việt Nam trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris đang cười - nụ cười rạng rỡ, sung sướng và hạnh phúc... Tôi nhắc lại cảm nghĩ này khi trò chuyện cùng tác giả bức ảnh - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Khắc. Ông nói với tôi giọng hiền lành: “Ba ông này mà cười là không phải dễ”.

Cuộc đàm phán hòa bình dài nhất thế kỷ XX

Tôi hiểu ý nghĩ của NSND Phạm Khắc. Có thể nói, đó là những nụ cười lịch sử. Vào  tháng 1-1973, thời điểm vừa kết thúc cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt 5 năm - một khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán - với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng trăm cuộc mít-tinh của nhân dân thế giới ủng hộ VN; thời điểm sau những năm tháng đổ xương máu giành giật từng mét đất trên chiến trường; thời điểm của sự cẩn trọng, kiên quyết giữ vững lập trường trước mưu ma chước quỷ của kẻ thù để đấu tranh giành giật từng điểm trong bản hiệp định; thời điểm của “ lịch sử lặp lại”, sau thất bại Điện Biên Phủ trên không 1972, Mỹ buộc phải ký hiệp ước Paris (cũng như sau thất bại Điện Biên Phủ 1954, Pháp phải ký Hiệp định Genève); thời điểm trước cuộc đấu tranh tiếp theo để nội dung hiệp định Paris được thực hiện... Sau những thời điểm ấy, để có được nụ cười ấy quả là không dễ dàng.

Và rồi ông Phạm Khắc kể về những bất ngờ cuộc  đời chiến sĩ và bất ngờ về khoảnh khắc đã dành cho ông.

Cơ duyên

Cuối năm 1971, từ miền Nam, Phạm Khắc được ra miền Bắc để sang Liên Xô học điện ảnh. Nhưng vì bệnh, anh phải về tạm đài truyền hình VN. Trong lúc anh chữa bệnh và chờ đợi, thì không quân Mỹ đánh B52 vào Hà Nội. Là phóng viên quay phim ở chiến trường miền Nam, anh không bao giờ có thể nghĩ được rằng có ngày mình được cầm máy ghi lại những hình ảnh hào hùng của quân và dân ta ngay tại thủ đô; đóng góp những thước phim quý giá trong “Hà Nội 12 ngày đêm”.

Sau cái mộng không thành của giặc Mỹ hòng dùng B52 hủy diệt thủ đô Hà Nội, để giành ưu thế trên bàn đàm phán, Hội nghị Paris được nối lại với thế thắng của Việt Nam, đã tạo cơ duyên cho Phạm Khắc có chân trong nhóm phóng viên theo đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đến Paris. Ông Phạm Khắc nhớ lại: “Cái chuyện này kỳ lắm. Tôi cũng không hiểu  sao nữa. Tôi sống ở miền Nam từ hồi Đồng Khởi (1960), được đào tạo quay phim ở R; rồi được ra Hà Nội, đang chuẩn bị đi học, rồi lại tự nhiên được biên chế trong nhóm phóng viên...”.

Đó chính là cơ duyên. Có ai đó từng nói rằng nếu cứ sắp xếp tất cả những biến cố trong quá khứ của ta thì nó chính là những mắt xích hợp lý làm nên cuộc đời ta hôm nay. Vậy thì không phải là tự nhiên. Cơ duyên để có ngày là phóng viên đi phục vụ Hội nghị Paris của Phạm Khắc đã có ngay từ những ngày đồng khởi. Chính những năm tháng vừa cầm súng, vừa cầm máy ảnh, nằm chờ giặc ở chiến tuyến, đã cho anh cơ hội 1/60”, 1/1.000” chụp cái khoảnh khắc lịch sử: Bốn bên ngồi ký hiệp ước buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam.

Và những khoảnh khắc

Đó là vào đầu tháng giêng năm 1973, sau thất bại của Mỹ trong đợt tập kích bằng không quân chiến lược vào thủ đô Hà Nội; cuộc chiến tranh trên mặt trận ngoại giao đã ngã ngũ, phần thắng nghiêng về phía Việt Nam. Đoàn của Chính phủ VNDCCH  đến Paris trên một chiếc máy bay sơn cờ đỏ sao vàng do chính phi công của ta lái. Khi máy bay hạ cánh đã có hàng ngàn Việt kiều ở Paris đứng đón; cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN rợp trời. Từ sân bay vào phòng họp báo vòng trong, vòng ngoài, người đông nghẹt, khiến cho các phóng viên không sao len vào nổi. Chính những thanh niên Việt kiều đã công kênh Phạm Khắc để anh quay những thước phim đầy hứng khởi...

Và rồi đến ngày ký hiệp định Paris. Khó có thể diễn tả được tâm trạng của những nhà báo Việt Nam khi ấy. Ai cũng mong ngóng “giờ G”. Ngay từ sáng sớm, nhóm phóng viên đã lên đường đến địa điểm tập trung. Nhưng một tình huống bất ngờ đã xảy ra. Đường bị kẹt, các phóng viên của ta phải đi tàu điện ngầm đến ga cách Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris - nơi diễn ra lễ ký kết - một con đường. Đáng lý các phóng viên phải tìm đường hầm để sang phía bên kia. Nhưng vì “lòng nóng như lửa đốt”, tất cả đành liều... phạm luật, chạy băng qua đường. Cảnh sát biết đoàn Việt Nam nên thông cảm và cũng đành đứng ra ngăn dòng xe ô tô cho nhóm nhà báo ta đi qua...

Buổi tối, sau lễ ký kết, đoàn Việt Nam tổ chức họp báo, chiêu đãi mừng thắng lợi. Và khoảnh khắc đã đến với Phạm Khắc. Anh đã ghi lại được nụ cười của ba nhà lãnh đạo Việt Nam đang trò chuyện trong lúc chờ khách...

Đúng là “để có được nụ cười này không phải dễ”. Nó là giây phút thăng hoa của hơn hai mươi năm chiến đấu hy sinh gian khổ. Nó không chỉ là nụ cười của cá nhân ba vị lãnh đạo đoàn Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris. Đó là nụ cười của hòa bình; nụ cười chiến thắng của dân tộc...