Sao lại giữ sổ BHXH của người lao động?
(NLĐO) - Công ty tôi có tình trạng là nhân viên nghỉ việc mà không thông báo. Để buộc nhân viên quay lại bàn giao công việc, công ty không trả sổ BHXH, không ra quyết định nghỉ việc mà yêu cầu phải hoàn tất bàn giao, cũng như bồi hoàn thời gian nghỉ không báo trước (30 ngày). Xin cho hỏi công ty có vi phạm luật lao động không?
Long Pham Thu (thulong.pham@yahoo.com)

Doanh nghiệp không được phép giữ sổ BHXH của người lao động (ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, trả lời:
Pháp luật lao động hiện hành không có quy định cho phép người sử dụng lao động được quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) khi NLĐ nghỉ việc do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật.
Khi NLĐ có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, người sử dụng lao động chỉ có quyền yêu cầu NLĐ phải bồi thường nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có); bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ (nếu có); bồi thường tiền lương của những ngày NLĐ vi phạm thời hạn báo trước (nếu có). Trường hợp NLĐ không chịu bồi thường thì người sử dụng lao động có quyền nộp đơn khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để được can thiệp.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể áp dụng quy định tại điều 43 Bộ Luật Lao động về việc giải quyết quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn 7 ngày (phức tạp có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày) để thông báo cho NLĐ đến công ty giải quyết việc trả sổ BHXH và bồi thường liên quan đến hành vi đơn chấm dứt HĐLĐ trái luật của họ.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi thắc mắc về pháp luật lao động theo địa chỉ: Chuyên mục “Tư vấn pháp luật lao động”, 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1- TPHCM hoặc e-mail: phapluatlaodong@nld.com.vn. |