Tác phong công nghiệp bắt đầu từ “4X”
Trung bình cứ 16 giây, dây chuyền lắp ráp lại cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh với hàng ngàn chi tiết và đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Chính vì vậy, công nhân phải tập trung cao độ...
Giữa trưa nắng mà không gian chung quanh khu nhà xưởng của Công ty Honda Việt Nam (HVN- thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thật mát mẻ, dễ chịu. Thảm cỏ xanh, những chậu hoa đủ màu sắc tạo một không khí nhẹ nhàng, yên tĩnh, khác hẳn với không khí làm việc khẩn trương bên trong xưởng. Phương Anh, cô nhân viên của Phòng Quan hệ truyền thông, dẫn chúng tôi đi thăm một vòng nhà máy, kể: Hơn 3.000 công nhân (CN) của công ty, hầu hết đều là người địa phương Vĩnh Phúc. Họ tiếp thu nhanh, hòa nhập tốt với môi trường làm việc”...Tập nói “xin lỗi, cảm ơn...”
Đập vào mắt chúng tôi ngay lối đi vào xưởng lắp ráp là một tấm bảng lớn với nhiều thông tin về hoạt động của công ty. Trong đó, nổi bật là lời kêu gọi “Sự cần thiết phải thực hiện 4X”. Đó là “xin chào, xin cám ơn, xin lỗi, xin cho phép”. Tò mò, tôi hỏi anh Phạm Hoài Nam, Trưởng Phòng Hàn dập, vì sao có khẩu hiệu này? Anh cho biết, ý tưởng này ra đời không lâu sau khi công ty đi vào hoạt động. Lãnh đạo công ty muốn cải thiện bầu không khí làm việc có vẻ như đang trở nên buồn tẻ. Những câu chào hỏi thông thường để biểu hiện tình cảm thân mật giữa đồng nghiệp với nhau, những lời xin lỗi, cám ơn... đang ngày càng thiếu vắng trong giao tiếp hằng ngày giữa những thành viên trong tập thể. Điều đó, có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm.
Anh Bùi Văn Thành thì suy nghĩ giản dị hơn: “Cả tập thể phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nên phải là một khối thống nhất, có cùng suy nghĩ, tình cảm đối với sản phẩm của mình thì mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn hảo”. Chính vì vậy mà khi khẩu hiệu “4X” được ban giám đốc và Công đoàn đưa ra, một không khí làm việc thân tình, cởi mở bao trùm công ty. Đó chính là nét văn hóa mà HVN muốn xây dựng cho đội ngũ lao động, cũng chính là cho sản phẩm của mình trong 10 năm hoạt động tại VN.
Trách nhiệm cá nhân gắn với tập thể
Chị Nguyễn Hải Hà, phụ trách Phòng Kế hoạch công ty, đưa chúng tôi vào lối đi riêng được sơn màu khác biệt để dễ nhận ra và giải thích: “Tất cả mọi người, từ tổng giám đốc đến CN đều phải chấp hành quy định này để bảo đảm an toàn lao động. Tại công ty, rất hiếm khi có tai nạn lao động vì mọi người triệt để tuân thủ kỷ luật lao động”. Còn bên trong các phân xưởng, tất cả CN đều ăn mặc gọn gàng; nón, găng tay, khẩu trang... được trang bị đầy đủ. Trước giờ làm việc, các tổ hội ý, tổ trưởng thông báo những việc cần làm. Sau đó, khi bắt đầu làm việc, tất cả mọi việc đều thực hiện theo đúng quy trình, đúng phận sự của từng người...
“Trung bình cứ 16 giây, dây chuyền lắp ráp cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh với hàng ngàn chi tiết và đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Chính vì vậy, CN phải tập trung cao độ...”- anh Phùng Văn Sơn, một trong những CN đầu tiên của công ty nay đã là chuyền trưởng một dây chuyền lắp ráp với 200 CN, cho biết như vậy.
Sản phẩm của Honda là một sản phẩm đặc biệt vì chất lượng của nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng nên một trong những phong trào thi đua được công ty phát động thường xuyên, liên tục là “không có lỗi khi sản phẩm ra thị trường” trong 1 năm, 2 năm... Anh Phạm Ngọc Thìn, bộ phận lắp ráp khung, nhìn nhận: “Mỗi sản phẩm là sự góp sức của hàng trăm con người, để không có lỗi là vô cùng khó nhưng chúng tôi đã làm được. Đó là do ý thức tự giác của CN cộng với quy trình sản xuất của công ty hiện nay: Nếu sản phẩm ra thị trường 2 - 3 năm sau mới phát hiện lỗi thì vẫn truy được trách nhiệm của từng cá nhân”.
Thu hút và giữ gìn nguồn nhân lực
Khi tôi đặt vấn đề “có hay không một phong cách quản lý kiểu Nhật Bản tại công ty?”, ông Nguyễn San, phó tổng giám đốc, thừa nhận: “Không chỉ HVN mà trên toàn cầu, Honda đã thể hiện phong cách đó. Chúng tôi luôn hướng tới các hoạt động đào tạo, giáo dục không chỉ về chuyên môn mà còn cả cách suy nghĩ, quan điểm về công việc cho CN. Honda tôn trọng cá nhân, đề cao kinh nghiệm và luôn có chính sách thu hút và gìn giữ nguồn nhân lực tại chỗ”.
Trả lời câu hỏi, làm thế nào để “nuôi dưỡng” nguồn nhân lực cho sự phát triển của công ty, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Ngoài việc đãi ngộ xứng đáng cho những người giỏi, mọi hoạt động của HVN đều hướng đến con người. Hằng năm, HVN tổ chức ngày hội gia đình cho tất cả nhân viên và gia đình như một nhịp cầu để thông tin, chia sẻ những khó khăn cũng như những thành công của công ty; tổ chức các phúc lợi cho CN như khen thưởng lễ tết, 6 tháng, Quốc khánh, tham quan du lịch, xây dựng nhà nghỉ cho CN. Công ty còn dự kiến sẽ xây nhà trẻ cho con CN... Tất cả những điều đó đều hướng đến mục tiêu xây dựng một đội ngũ lao động có trình độ, có ý thức và gắn bó lâu dài với công ty”.