Thay đổi nhận thức

Mới đây, một chủ tịch Công đoàn (CĐ) cơ sở đã rất băn khoăn khi trình bày với CĐ cấp trên và đại diện BHXH quận vấn đề người lao động muốn nhờ CĐ thỏa thuận với doanh nghiệp (DN) về việc ngừng đóng BHXH.

 Ông cho biết thời gian trước, công ty gặp khó khăn, đơn hàng không đủ để công nhân (CN) làm nên công ty không tổ chức tăng ca. Điều này dẫn đến hệ lụy là giảm thu nhập. Cuộc sống khó khăn hơn trước nên họ nghĩ ra đủ cách tiết kiệm, trong đó có việc không muốn đóng BHXH. CN sẵn sàng ở lại lúc khó khăn nhưng họ muốn ngừng đóng các khoản bảo hiểm, kể cả BHXH, thay vào đó DN có thể trả khoản tiền đó vào lương cho họ. Tuy nhiên, DN không đồng tình vì điều này vi phạm pháp luật lao động và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính CN. "Bị DN từ chối, một số người tìm đến CĐ và mong muốn CĐ giúp đỡ đứng ra thương lượng. Nhìn vào tình hình chung của DN, đương nhiên tôi hiểu CN đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng thỏa thuận trái luật như vậy làm sao CĐ có thể đứng về phía họ. Tôi viện dẫn rất nhiều lý do nhưng vẫn không thay đổi được suy nghĩ của CN" - ông nói.

Mãi cho đến khi một CN phát bệnh hiểm nghèo với số tiền điều trị khá lớn. Lúc ấy, CĐ vừa đứng ra vận động ban giám đốc và CN hỗ trợ vừa lấy mức chi cụ thể của BHYT với trường hợp này để thuyết phục CN. Thấy được cái lợi thực tế, họ mới thôi đòi ngưng đóng bảo hiểm.

Thay đổi nhận thức - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vừa là cán bộ CĐ nhưng cũng là quản lý của DN, ông rất băn khoăn khi CN sống khó khăn lại không thể khuyên họ nghỉ việc kiếm công ty khác lương cao hơn. Cuối cùng, ông thương lượng với ban giám đốc nhận một số đơn hàng gia công với đơn giá rẻ từ các cơ sở sản xuất, lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận để CN có việc làm. Ban đầu, ban giám đốc cũng chần chừ nhưng cuối cùng vì giữ chân CN, họ đồng ý với điều kiện CN chịu làm. Được sự đồng ý của DN, CĐ trao đổi với người lao động và họ cũng đồng ý. Vì thế, cùng với ban lãnh đạo của đơn vị, CĐ cũng tham gia tìm kiếm những đơn hàng nhỏ, giá gia công thấp. "Đơn giá thấp thì thu nhập của CN không được cải thiện là bao nhưng hầu hết họ tình nguyện làm nên cũng không nhắc đến thỏa thuận trái luật ấy nữa. Mặt khác, DN duy trì sản xuất, tuy không có mấy lợi nhuận nhưng ban giám đốc cũng chấp nhận bởi họ hiểu rằng việc CN gắn bó với công ty nhiều năm, thậm chí lúc công ty khó khăn cũng vẫn tình nguyện trụ lại, là điều đáng quý" - ông chia sẻ.