Thỏa ước không nên sao chép luật

Sáng 12-4, LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM đã tổ chức tọa đàm về vai trò Công đoàn (CĐ) cơ sở trong đối thoại định kỳ và xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Gần 100 cán bộ CĐ cơ sở đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến tại tọa đàm
Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Nhiều ý kiến cho rằng thỏa ước nên ngắn gọn và không sao chép luật. CĐ cơ sở chỉ nên chọn một số nội dung có lợi cho người lao động, cao hơn luật và có thể áp dụng với số đông lao động (như nâng chất bữa ăn, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, phụ cấp…) để thương lượng. Tránh tình trạng thỏa ước có nhiều điều khoản cao hơn luật nhưng đối tượng được thụ hưởng quá ít (như được nhận chế độ hỗ trợ cao khi xảy ra tai nạn lao động chết người).

Về đối thoại định kỳ, một số cán bộ CĐ kiến nghị sửa đổi vài quy định của Nghị định 60/CP về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Theo đó, nên cho phép kéo giãn thời gian giữa các kỳ đối thoại hoặc để doanh nghiệp chủ động, linh hoạt thời gian tổ chức chứ không nên quy định cứng nhắc như hiện nay.