Tích hợp thẻ BHXH, BHYT điện tử

(NLĐO)- Sổ BHXH và thẻ BHYT hiện đang sử dụng trên chất liệu giấy nên khó bảo quản để sử dụng lâu dài

BHXH Việt Nam cho biết theo Quy định của Luật BHXH và Luật BHYT, đến năm 2020, cơ quan BHXH phải cấp thẻ điện tử cho người tham gia BHXH, BHYT. 3 năm qua, ngành BHXH đã rất nỗ lực để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đối tượng tham gia BHXH, BHYT. 

Trong đó, đã thực hiện cấp số định danh cá nhân (mã số BHXH) cho người tham gia BHXH, BHYT; kết nối được với hơn 14.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước; hệ thống công nghệ thông tin của ngành cũng được đầu tư, nâng cấp… sẵn sàng cho việc triển khai thẻ BHXH, BHYT điện tử.

Tích hợp thẻ BHXH, BHYT điện tử - Ảnh 1.

Thẻ BHYT hiện đang sử dụng trên chất liệu giấy nên khó bảo quản để sử dụng lâu dài

Theo BHXH Việt Nam, sổ BHXH và thẻ BHYT hiện đang sử dụng trên chất liệu giấy nên khó bảo quản để sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, thông tin ghi trên thẻ BHYT, sổ BHXH dễ bị lạm dụng, tẩy xóa, thay đổi, làm kéo dài thời gian kiểm tra, nhập số liệu về người tham gia khi thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thời gian làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT. Do vậy, theo BHXH Việt Nam, việc chuyển đổi sang hình thức thẻ BHXH, BHYT điện tử là cần thiết.

BHXH Việt Nam đang đưa ra 2 phương án để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phương án 1 chỉ thực hiện riêng về thẻ BHYT điện tử và phương án 2 là một loại thẻ tích hợp cả BHXH, BHYT điện tử.

Tại hội nghị trực tuyến tổ chức mới đây tại Hà Nội, hầu hết ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, đơn vị trong và ngoài ngành đều ủng hộ phương án 2 mà Ban soạn thảo BHXH Việt Nam đưa ra là tích hợp sổ BHXH và thẻ BHYT trong một thẻ điện tử chung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý BHXH Việt Nam cần cân nhắc một số vấn đề như: lộ trình tích hợp thẻ BHXH, BHYT điện tử; thời hạn sử dụng thẻ; giải pháp công nghệ, kinh phí đầu tư và giá trị sử dụng của thẻ.