Vì sao một vụ án lao động có hiệu lực kéo dài tới 3 năm ?
Ngày 23-11-2000, TAND quận 1 - TPHCM ra quyết định (có hiệu lực thi hành ngay), công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Trần Thị Thu Hà. Theo đó, Công ty Vinamilk tự nguyện rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng số 66/CTS-TCLĐ ngày 13-9-2000 đối với bà Trần Thị Thu Hà ; nhận bà Hà trở lại làm việc ngay khi quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự.
Chấm dứt HĐLĐ với bà Hà là đúng pháp luật Ngày 4-7-2003, ông Lâm Duy Nhân, Phó Trưởng Ban An ninh Nội chính Thành ủy TPHCM, đã chủ trì cuộc họp với VKSND, TAND TPHCM, Phòng Thi hành án TP, Đội Thi hành án quận 1, bàn bạc và thống nhất: Việc Công ty Vinamilk mời bà Hà ký HĐLĐ là đã tự nguyện thi hành án. Bà Hà nhiều lần không đến cũng không cho biết lý do nên Công ty Vinamilk đã ra Quyết định 02/QĐ-TCLĐ (18-1-2002) chấm dứt HĐLĐ với bà Hà là đúng pháp luật. Do bà Hà không kiện quyết định nói trên ra tòa, nên hiện nay không có bản án mới. Vì vậy cơ quan thi hành án cũng không có căn cứ giải quyết yêu cầu của bà Hà xin trở lại Công ty Vinamilk làm việc. (Nguồn: Báo Lao Động ngày 2-8-2003) |
Vụ việc đến đây là kết thúc, nhưng từ đó đến nay, mặc cho Vinamilk tích cực thực hiện các quy định ghi trong thỏa thuận, bà Hà vẫn tiếp tục kiện.
Khởi đầu từ một quyết định
Ngày 11-3-2000, Công ty Vinamilk ký với bà Trần Thị Thu Hà HĐLĐ không thời hạn số 09 với công việc “Làm việc tại Công ty Liên doanh Sữa Việt – Úc; và các nhiệm vụ khác khi được phân công”. Tháng 6-2000, công ty liên doanh này giải thể, Công ty Vinamilk đã ra Quyết định số 56/CTS-TCLĐ với nội dung điều động bà Trần Thị Thu Hà về phòng tiêu thụ công ty (kể từ ngày 1-7-2000), nhiệm vụ do trưởng phòng phân công; bảo lưu lương của bà Hà trong thời hạn 1 tháng (đến 31-7). Từ 1-8-2000 giữ nguyên hệ số lương 2,74 và nâng lương theo niên hạn; phần thu nhập được trả theo công việc”. Sau quyết định phân công này, bà Hà không đến nhận công tác. Ngày 8-9-2000, công ty tổ chức hòa giải nhưng bà Hà vẫn không nhận nhiệm vụ. 13-9-2000, Công ty Vinamilk đã ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà Trần Thị Thu Hà. Từ đây, bà Hà bắt đầu khởi kiện.
Trong phiên xử hòa giải ngày 23-11-2000, bà Hà đã đồng ý trở lại nhận nhiệm vụ và Công ty Vinamilk cũng đã đồng ý nhận lại bà Hà. Vì vậy, TAND quận 1 đã ra Quyết định 03/HGT-LĐ công nhận thỏa thuận hai bên, theo đó: “Công ty Vinamilk tự nguyện rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng số 66/CTS-TCLĐ ngày 13-9-2000 đối với bà Trần Thị Thu Hà. Nhận bà Hà trở lại công ty làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Công ty có trách nhiệm bồi thường cho bà Hà một khoản tiền tương ứng với tiền lương và giải quyết các chế độ về bảo hiểm... tính từ tháng 9-2000 đến khi bà Hà nhận việc trở lại”.
Thực hiện quyết định này, Công ty Vinamilk đã rút quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà Hà, hai lần mời bà Hà đến ký HĐLĐ mới, nhưng bà Hà không đến và cũng không nêu lý do. Ngày 14-4-2001, buộc phải ra thông báo không ký HĐLĐ, mời bà Hà đến nhận trợ cấp thôi việc.
Vinamilk tỏ rõ thiện chí
Sở dĩ bà Hà không thực hiện bất cứ giải pháp nào của Công ty Vinamilk vì cho rằng HĐLĐ số 09 là hợp đồng không thời hạn, vẫn còn đang hiệu lực, không phải ký lại. Cách hiểu này cũng thể hiện trong công văn 64 ngày 14-3-2003 của TAND quận 1 gửi Phòng Thi hành án TP: “Quyết định 03/HGT-LĐ ngày 23-11-2000 của TAND quận 1 phải hiểu là nhận bà Hà trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký kết và đang thực hiện (số 09), không phải là ký lại HĐLĐ mới phù hợp với công việc và mức lương mới”.
Tuy nhiên, ngày 6-5-2003 ông Trần Hoàng Thám, Trưởng Ban An ninh Nội chính Thành ủy TPHCM, đã có công văn gửi Chánh án TAND TPHCM, nêu rõ: “Ban An ninh Nội chính nhận thấy tại công văn số 64 ngày 14-3-2003, trích yếu về việc “giải thích bản án, quyết định” gởi Phòng Thi hành án TPHCM do thẩm phán Nguyễn Đình Đức ký có điểm chưa hợp lý như sau: HĐLĐ số 09 ngày 11-3-2000 ký tại Công ty Liên doanh Sữa Việt - Úc (công ty bà Hà) thì ngày 9-6-2000 đã có quyết định giải thể. Quyết định 03/HGT-LĐ ngày 23-11-2000 của TAND quận 1 có hiệu lực thi hành ngay thì công ty liên doanh đã được bộ cho phép giải thể. Ngày 14-3-2003 (sau 2 năm) TAND quận 1 giải thích bản án không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động, vì: Công ty liên doanh đã giải thể, việc nhận bà Hà trở lại làm việc, làm việc tại đâu? Nếu nhận bà Hà trở lại làm việc theo hợp đồng 09 đã ký kết và đang thực hiện thì thời gian (11-2-2000) và địa điểm (Công ty Liên doanh Sữa Việt - Úc) đương nhiên vô hiệu bởi quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 9-6-2000. Công ty sữa đã tự nguyện thi hành án theo Quyết định 03/HGT-LĐ của TAND quận 1. “Nhận bà Hà trở lại làm việc”, công ty sữa đã có thiện chí mời bà nhiều lần để ký lại hợp đồng, nhưng bà không đến và cũng không báo cáo lý do vắng mặt... Việc này thuộc thẩm quyền của công ty theo quy định của Bộ Luật Lao động và nội quy quy chế của doanh nghiệp”.
Cây muốn lặng gió chẳng dừng
Phân tích về bản HĐLĐ số 09 của Công ty Vinamilk ký với bà Hà ngày 11-3-2000, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, khẳng định: Nội dung của HĐLĐ số 09 thỏa thuận về địa điểm, công việc, mức lương của bà Hà tại liên doanh Việt -Úc, nay liên doanh Việt - Úc đã giải thể, có nghĩa là HĐLĐ 09 đã hết hiệu lực.
Theo Công ty Vinamilk, Quyết định số 03/HGT-LĐ của TAND quận 1 là chưa chính xác. Chính nội dung: Công ty Sữa Việt Nam có trách nhiệm bồi thường cho bà Hà một khoản tiền tương ứng với tiền lương và giải quyết các chế độ về bảo hiểm... tính từ tháng 9-2000 đến khi bà Hà nhận việc trở lại “đã gây ra cách hiểu: Thời gian “bà Hà trở lại nhận việc” hoàn toàn phụ thuộc vào bà Hà.
Cũng theo Công ty Vinamilk: Trong HĐLĐ 09 có giao kết bà Hà “làm việc tại Công ty Liên doanh Sữa Việt - Úc và các nhiệm vụ khác khi được phân công”, công ty mời bà Hà đến ký lại HĐLĐ mới với công việc, địa điểm, mức lương cụ thể là đúng với điều 33 Bộ Luật Lao động. Nhưng bà Hà đã không đến công ty sau hai lần được mời ký HĐLĐ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân đích thực, khiến cho việc thi hành một vụ án lao động phải kéo dài?!